Anh không cho phép Ukraine sử dụng Storm Shadow trong cuộc đột kích vào Nga
VOV.VN - Tờ Telegraph ngày 13/8 dẫn nguồn tin cho biết, chính phủ Anh không cho phép cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow trong chiến dịch đột kích vào tỉnh Kursk của Nga.
“Không có thay đổi nào cả”, nguồn tin nói với Tờ Telegraph, đề cập việc Ukraine sử dụng vũ khí do Anh cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Bất chấp những tuyên bố trước đó của các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Anh, cho đến nay, London vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow tầm bắn lên tới 250km để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Kiev đã sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công các vị trí của Nga tại các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát, trong đó có bán đảo Crimea. Tuy nhiên, chính quyền Anh không cho phép Kiev sử dụng tên lửa Storm Shadow ở Kursk.
Thông tin trên xuất hiện sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 12/8 cho biết, ông đã giao nhiệm vụ cho các quan chức và nhà ngoại giao trình bày danh sách hành động cần thiết để xin phép các đối tác sử dụng vũ khí tầm xa nhằm bảo vệ lãnh thổ Ukraine.
Sự cho phép của các nước phương Tây có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tấn công qua biên giới chưa từng có của quân đội Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga ngày 6/8.
Ukraine tuyên bố, lực lượng nước này đã kiểm soát khoảng 1.000km2 lãnh thổ Nga sau một tuần đột kích vào tỉnh Kursk. Tuy nhiên, Kiev không cung cấp thông tin về việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp trong chiến dịch này.
Truyền thông Nga đăng tải video nói rằng Ukraine đã triển khai xe bọc thép Bradley do Mỹ cung cấp và xe bọc thép Marder do Đức cung cấp trong chiến dịch tấn công vào Kursk.
Khi được hỏi liệu Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp trong cuộc tấn công tỉnh Kursk của Nga hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: “Không có sự thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi và với những gì họ đang thực hiện cũng không vi phạm chính sách của chúng tôi”.
Liên quan đến thông tin khí tài Đức sản xuất được sử dụng trong một cuộc tấn công cỉa Ukraine vào lãnh thổ Nga, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, Markus Faber, tuyên bố ông không phản đối hành động của Kiev. Theo ông, bất kỳ vũ khí nào được chuyển giao cho Kiev đều không còn là của Đức nữa mà sẽ là của Ukraine. Ông cũng cho rằng lãnh thổ của cả Ukraine và Nga đều là “khu vực chiến sự”.
Trong một tuyên bố ngày 9/8, Bộ Ngoại giao Đức cho biết “Ukraine có quyền tự vệ được ghi nhận trong luật pháp quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh, nguyên tắc tự vệ “không chỉ giới hạn trong lãnh thổ của quốc gia đó”.