Giải mã về “cơn sốt” thuốc sốt rét trong cuộc chiến chống COVID-19

VOV.VN -Hydroxychloroquine đang được tán tụng là một “thần dược” để phòng chống COVID-19 cho dù y học thực chứng về hiệu quả của loại thuốc này còn hạn chế.

Hiện nay, nhiều nước đẩy mạnh nhập khẩu Hydroxychloroquine (HCQ) từ Ấn Độ, dẫn đến “cơn sốt” HCQ trên thị trường thế giới. Loại thuốc đặc trị bệnh sốt rét này đang được tán tụng như là một “thần dược” cho phép phòng ngừa và điều trị COVID-19, cho dù y học thực chứng về hiệu quả của loại thuốc này còn hạn chế.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí coi HCQ sẽ là nhân tố làm “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế trên khắp thế giới nhấn mạnh rằng không có bằng chứng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả HCQ, hiện nay có thể chữa trị hay ngăn ngừa sự lây nhiễm COVID-19. Song điều đó không ngăn cản các nước trên thế giới đề nghị Ấn Độ bán HCQ.

Ấn Độ hiện là nước sản xuất HCQ lớn nhất thế giới. Trước nhu cầu HCQ trên toàn cầu tăng cao, vào cuối tháng qua các nhà điều tiết thương mại Ấn Độ đã ra quyết định hạn chế xuất khẩu HCQ. Khi đó, Tổng thống Trump đã đe doạ “trả đũa” nếu Ấn độ không mở kho dự trữ ra bán. Các quan chức Ấn Độ ngay sau đó đã nhất trí dỡ bỏ một phần lệnh cấm này và cho biết sẽ cho phép xuất khẩu HCQ và paracetamol không hạn chế.

Tác dụng thực sự của HCQ đòi hỏi thời gian và thêm nhiều nghiên cứu kiểm chứng

HCQ là loại thuộc thường dùng để điều trị bệnh thấp khớp, lupus ban đỏ và sốt rét. Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), khuyến cáo mọi người không nên tự ý sử dụng HCQ mà không có đơn của bác sỹ. Bởi, chloroquine chứa độc tính nên có thể gây chết người nếu dùng không đúng liều.

Nhà khoa học Raman Gangkhedkar cho hay: “ICMR đã phê chuẩn việc sử dụng HCQ trong một số trường hợp song chỉ ở mức độ thử nghiệm. Thuốc này chỉ được khuyên dùng cho những nhân viên y tế chưa có triệu chứng nhiễm trong quá trình tham gia chăm sóc các bệnh nhân nhiễm hoặc bị nghi nhiễm COVID-19 và những thành viên trong gia đình của những bệnh nhân nhiễm COVID-19 không có biểu hiện nhiễm bệnh.”

Hội đồng tư vấn ICRM cho biết HCQ được chứng minh  như là một loại thuốc phòng ngừa “hiệu quả đối với virus corona”  trong giới hạn các công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu in-viro. Tuy nhiên, vì chỉ có một vài thử nghiệm lâm sàng cho thấy thành công hạn chế của loại thuốc này nên các nhà khoa học khuyến cáo không nên sử dụng HCQ rộng rãi trong cộng đồng để chống lại đại dịch COVID-19.

Hy vọng le lói dẫn đến “cơn sốt” HCQ?

Theo trang web fiercefarma.com, các nhà quản lý châu Âu chỉ cho phép sử dụng HCQ chống COVID-19 chỉ trong phạm vi thử nghiệm y khoa.

Cho dù việc thử nghiệm HCQ trong điều trị COVID-19 đã đạt được những thành công ban đầu tại Trung Quốc và Pháp, Cơ quan Y khoa châu Âu (EMA) nhấn mạnh rằng hiệu quả của HCQ trong điều trị COVID-19 vẫn chưa được nhiều công trình khoa học chứng minh. Theo kết quả một công trình nghiên cứu  được đăng tải trên Tạp chí Quốc tế về các Chất Kháng khuẩn (IJAA) vào tháng trước, các nhà khoa học Pháp thông báo 20 bệnh nhân đã được điều trị với HCQ và kết quả cho thấy virus thoái lui đáng kể so với những bệnh nhân không được dùng thuốc.

Tuy nhiên, phạm vi công trình nghiên cứu này quá bé nhỏ để đưa ra một kết luận chắc chắn cuối cùng. Hiện tại, có hai công trình thử nghiệm lớn đang dược triển khai để nghiên cứu tác dụng của HCQ và chloroquine trong điều trị COVID-19:  một công trình nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành để thử nghiệm giao thức điều trị HCQ chung và  một công trình khác do Quỹ Melinda Gates phối hợp với Quỹ Wellcome Trust tiến hành.

Nguồn cung HCQ từ Ấn Độ

Ngoài số lượng đơn đặt hàng khá lớn từ Mỹ, khoảng 30 nước, trong đó có Brazil và một số nước Nam Á, đã đề nghị Ấn Độ cung cấp HCQ. Indonesia, Australia và Đức cũng đã tiếp cận đến nguồn cung ứng HCQ của Ấn Độ. Tổng thống Ấn Độ cam kết với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro rằng Ấn Độ sẽ xuất sang Brazil các tiền chất hoá học để giúp Brazil tăng sản lượng chloroquine.

Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thuốc generic (thuốc gốc) với hai thị trường chủ chốt là Mỹ và châu Âu. Theo Quỹ India Brand Equity Foundation, kim ngạch xuất khẩu thuốc Ấn Độ trong năm 2019 đạt 19 tỉ USD, chiếm khoảng 1/5 lượng xuất khẩu thuốc generic trên toàn thế giới.

Các quan chức ngành dược phẩm Ấn Độ cho rằng Ấn Độ có đủ nguồn cung HCQ và các công ty dược phẩm Ấn Độ đã nâng cao công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo ước tính, các nhà máy Ấn Độ cho xuất xưởng khoảng 200 triệu viên thuốc HCQ 200 mg mỗi tháng. Được biết, Ấn Độ đóng góp 70% nguồn cung HCQ trên toàn thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên