Anh-Pháp khẩu chiến sau thảm kịch 27 người di cư thiệt mạng trên biển Manche
VOV.VN - Giới chức hai nước Pháp và Anh đang có màn khẩu chiến về trách nhiệm kiểm soát dòng người di cư qua eo biển Manche, sau khi xảy ra thảm kịch chìm thuyền khiến 27 người di cư thiệt mạng chiều ngày 24/11.
Phát biểu trước Nghị viện Anh chiều ngày 25/11, một ngày sau khi xảy ra thảm kịch 27 người di cư thiệt mạng khi cố gắng vượt biên trái phép từ Pháp sang Anh bằng thuyền qua eo biển Manche, Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Priti Patel cho rằng việc ngăn cản người di cư vượt biển từ Pháp sang Anh là trách nhiệm của phía Pháp và nhà chức trách Pháp cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp nhằm ngăn các thảm kịch tương tự tái diễn.
Nhận xét này được cho là để đáp trả các chỉ trích trước đó từ Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Gerald Darmanin rằng một trong những nguyên nhân gây ra các thảm kịch di cư từ Pháp và châu Âu sang Anh trong những năm qua là do phía Anh quản lý lỏng lẻo thị trường lao động chui, khiến nhiều người di cư bị thu hút bởi viễn cảnh kiếm được tiền dễ dàng khi làm chui tại Anh.
Khi được hỏi về việc liệu các thảm kịch tương tự có tái diễn trong tương lai, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cũng cho rằng nguy cơ này là rất cao, trừ khi phía Anh hợp tác cùng Pháp để xây dựng một chiến lược mới để triệt phá, ngăn chặn các nhóm buôn người. Bộ trưởng Nội vụ Anh cũng nhắc lại đề nghị từ phía Anh rằng Anh sẽ gửi thêm cảnh sát đến Pháp để hỗ trợ Pháp kiểm soát các dòng người di cư bất hợp pháp.
“Tôi đã trao đổi với người đồng cấp của tôi là Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Darmanin và đã đề nghị rất rõ ràng với phía Pháp rằng Anh và Pháp sẽ phối hợp tuần tra chung để ngăn các vụ vượt biển nguy hiểm này. Tôi cũng đã làm việc với phía Pháp để đề xuất đưa thêm nhiều cảnh sát Anh sang đất Pháp và làm tất cả những gì cần thiết để bảo đảm an ninh trong khu vực, để những người di cư yếu thế không mạo hiểm mạng sống của mình trên các con thuyền không đáng tin cậy.”, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nói
Đáp lại các đề xuất từ phía Anh, hầu hết các quan chức Pháp đều cho rằng đề xuất này không hiệu quả. Nghị sĩ vùng Calais, ông Pierre-Henri Dumont cho rằng việc Anh đề nghị gửi thêm cảnh sát đến Pháp là điên rồ và không thay đổi được điều gì. Trên thực tế, theo Thỏa thuận Touquet ký giữa Anh và Pháp vào năm 2003, phía Anh phải trả tiền cho phía Pháp kiểm soát những người di cư muốn đi từ Pháp sang Anh. Nói cách khác, cửa khẩu hải quan để nhập cảnh vào lãnh thổ Anh đặt tại Calais của Pháp chứ không phải bên cảng Douver của Anh. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng từ khi Brexit diễn ra, việc thực thi thỏa thuận này vấp phải nhiều vướng mắc và Thỏa thuận Touquet là một trong những lí do khiến nhiều người di cư mạo hiểm mạng sống để vượt biển sang Anh.
Dự kiến, Bộ trưởng Nội vụ Anh, Priti Patel sẽ sang Pháp vào 28/11 để thảo luận kỹ hơn với phía Pháp về kế hoạch thắt chặt an ninh quanh eo biển Manche. Phía Pháp cũng sẽ tổ chức một cuộc họp liên chính phủ tại Calais hôm Chủ nhật, 28/11, mời Bộ trưởng phụ trách di cư các nước Bỉ, Đức, Hà Lan, Anh cũng như các quan chức Liên minh châu Âu tham dự.
Trong lúc này, các cuộc điều tra vẫn đang được đẩy mạnh. Theo giới chức Pháp, hầu hết trong số 27 nạn nhân thiệt mạng là người Irắc, người Kurd và một số nước Trung Đông. Trong ngày 25/11, cảnh sát Pháp cũng đã bắt giữ nghi phạm thứ 5, được cho là tham gia tổ chức đưa người vượt biển sang Anh./.