Anh theo đuổi biên giới “mềm” với Ireland trong đàm phán Brexit
VOV.VN - Anh không muốn có đường biên giới “cứng” với các trạm kiểm soát giữa Bắc Ireland của nước này với Cộng hòa Ireland thời kỳ hậu Brexit.
Kể từ khi chính thức khởi động đàm phán Brexit hồi tháng 3 năm nay, phía EU vẫn từ chối bắt đầu các cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại giữa hai bên trong tương lai chừng nào một số vấn đề khối này ưu tiên, bao gồm vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland, được giải quyết.
Biển báo biên giới "mềm" giữa Ireland và Bắc Ireland. Ảnh: AP
Trong khi đó, phía Anh cho rằng hai vấn đề này phải được giải quyết đồng thời. Lập trường của chính phủ Anh là không thể tách biệt các vấn đề xung quanh việc Anh rút khỏi EU với quan hệ đối tác giữa hai bên trong tương lai.
Một khi Anh rời khỏi EU thì việc kiểm tra hàng hóa và người qua lại giữa hai bên là cần thiết. Song các bên liên quan đều có vẻ muốn tránh lập các trạm kiểm soát ở biên giới do lo ngại gây tổn hại nền hòa bình mong manh tại Bắc Ireland.
Chính phủ Anh sẽ thúc đẩy theo hướng tránh thiết lập các trạm hải quan hoặc các điểm kiểm soát an ninh dọc biên giới giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland, đồng thời cam kết duy trì khu vực di chuyển chung cho phép người dân Anh và Ireland qua lại tự do giữa hai bên, cũng như duy trì tiến trình hòa bình tại khu vực. Tuy nhiên, Anh cũng nhấn mạnh mọi phương án đều sẽ được đàm phán với EU để đảm bảo phía Cộng hòa Ireland, vốn theo luật chung của EU, sẽ không có khúc mắc gì.
Thủ tướng Anh Theresa May nói: “Chúng tôi không muốn có đường biên giới giữa các vùng của nước Anh. Điều chúng tôi muốn thấy là một thỏa thuận về thuế quan và các đường biên giới với EU có thể đảm bảo chúng ta sẽ không trở lại đường biên giới cứng với Bắc Ireland như trước đây, và để đảm bảo sự lưu thông hàng hóa và đi lại giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Đó không chỉ là mối quan tâm của Bắc Ireland và Vương quốc Liên hiệp Anh, mà còn là mối quan tâm của Cộng hòa Ireland và EU”.
Chính phủ Ireland hoan nghênh quyết định của Anh công bố các đề xuất về vấn đề biên giới, coi đây như một cách nhằm nâng cao tính minh bạch, song dưòng như Ireland cũng kiên quyết phản đối việc bắt đầu đàm phán thương mại trước khi các vấn đề ưu tiên như tài chính, biên giới và quyền công dân được giải quyết triệt để.
Khu vực biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland kéo dài gần 500km với 30 nghìn người qua lại mỗi ngày. Việc quay lại đường "biên giới cứng" liên quan đến việc kiểm soát nhận dạng và thuế quan giữa hai bên được xem là khó có thể tránh khỏi nếu Anh rời Liên minh châu Âu. Khi đó, đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hoà Ireland sẽ trở thành biên giới giữa một nước trong và ngoài Liên minh châu Âu.
Điều này sẽ gây ra nhiều tác động chưa lường trước về kinh tế và chính trị đối với Cộng hoà Ireland và Liên hiệp Anh. Bên cạnh đó, vấn đề này cũng làm dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ căng thẳng trở lại ở Bắc Ireland, nơi từng xảy ra các cuộc xung đột bạo lực khiến 3.600 người thiệt mạng khi những người theo đạo Thiên Chúa muốn Bắc Ireland sáp nhập vào Cộng hòa Ireland trong khi những người theo đạo Tin lành muốn Bắc Ireland ở lại nước Anh, cho đến khi hai bên đạt được Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành vào năm 1998.
Hiện tại, Bắc Ireland vẫn theo đuổi nguyện vọng được EU trao cho một quy chế đặc thù để có thể tiếp tục ở lại trong EU, không theo Anh rời mái nhà chung châu Âu. Tuy nhiên, khả năng như vậy là khó xảy ra. Điều này này dẫn tới khả năng người dân Bắc Ireland sẽ muốn tách khỏi Vương quốc Anh và sáp nhập trở lại cùng Cộng hòa Ireland để tiếp tục hưởng quyền lợi là một thành viên của Liên minh châu Âu./.
Anh-EU kỳ vọng đàm phán Brexit sẽ theo hướng “đôi bên cùng có lợi”