Argentina: Những thách thức của Tổng thống đắc cử Macri
VOV.VN - Ông Macri sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như nền kinh tế đang suy thoái, đồng nội tệ bị phá giá, nguồn dự trữ ngoại tệ cạn kiêt...
Cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 tại Argentina đã khép lại với chiến thắng của ứng cử viên cực hữu Mauricio Macri với 51,4% số phiếu ủng hộ. Tỷ lệ này cách biệt không đáng kể so với tỷ lệ 48,5% của đối thủ Daniel Scioli, ứng cử viên liên minh cánh tả "Mặt trận vì Thắng lợi" (FpV) cầm quyền.
Kết quả này đồng nghĩa với sự thay đổi lớn trên chính trường Argentina. Ông Macri sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trên cương vị Tổng thống Argentina.
Tân Tổng thống Argentina Mauricio Macri ăn mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử. (ảnh: AFP). |
Ông Macri, 56 tuổi, Thị trưởng Buenos Aires, kỹ sư xây dựng, xuất thân từ một gia đình giàu có nổi tiếng ở Argentina, là người luôn đối đầu với những chính sách kinh tế của Tổng thống sắp mãn nhiệm Cristina Fernandez. Cương lĩnh tranh cử của ông Macri là "thay đổi" những chính sách kinh tế đã được thực hiện suốt 12 năm qua ở Argentina.
Những chính sách của Tổng thống C. Fernandez và chồng bà, cố Tổng thống Nestor Kitchner, hướng tới việc thiết lập một sự công bằng nhất định trong xã hội, đề cao vai trò điều tiết của nhà nước, tăng cường liên kết Mỹ Latinh và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Trong khi đó, ông Macri ủng hộ chủ nghĩa tự do mới, mở cửa thị trường trong nước, theo đuổi chính sách tư nhân hóa, không đề cao vai trò nhà nước trong nền kinh tế và thân Mỹ.
Thách thức đối với Tổng thống đắc cử rất lớn. Ông Macri sẽ phải đối mặt với những khó khăn như nền kinh tế đang ngày càng suy thoái, đồng nội tệ bị phá giá, nguồn dự trữ ngoại tệ đang cạn kiệt, thu hút vốn đầu tư và giải quyết vấn đề nợ với các nhà cho vay.
Chuyên gia kinh tế Martin Rapetti thuộc Trung tâm nghiên cứu nhà nước và xã hội Argentina cho biết: "Ở Argentina, việc sửa đổi thị trường thông qua phá giá đã tạo ra nhiều xung đột, vì nó dẫn đến việc mất sức mua trong chi tiêu gia đình. Câu hỏi đặt ra là ông Macri sẽ làm thế nào để điều chỉnh nền kinh tế và những gì ông cho là sai lầm".
"Đảng cánh tả đã có sự điều chỉnh, vực dậy được nền kinh tế sau giai đoạn suy thoái 2001-2002, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25%. Đó là lý do họ nhận được sự ủng hộ khá lâu. Nhưng bối cảnh hiện nay mà ông Macri đối lặt lại không giống như thế. Đó là sự khó khăn. Mọi người đều đặt ra hy vọng con đường mới sẽ dẫn đến thành công", chuyên gia Rapetti nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Argentina Rosendo Fraga cho biết, để đảm bảo được thành công với những chính sách đã cam kết trong cương lĩnh tranh cử, ông Macri sẽ phải thành lập một liên minh chính trị, bởi đảng của ông chỉ chiếm 90 trong số 257 ghế trong Hạ viện. Việc thành lập một liên minh chính trị sẽ đảm bảo cho những thay đổi chính sách của ông được thông qua nhanh chóng.
Nhà phân tích Argentina Rosendo Fraga nói: "Như tôi đã thấy, thách thức lớn nhất là làm thế nào để thành lập được một liên minh chính trị. Vì sao? Về lịch sử, một phần tư thế kỷ qua Argentina hầu như là do các Tổng thống của phe cánh tả nắm quyền. Tổng thống Carlos Menem nắm quyền hơn 10 năm, từ năm 1989-1999. Sau đó là hơn 12 năm của Tổng thống Nestor Kirchner từ 2003-2007 và bà Cristina Fernandez từ 2007-2015".
"Sự trở lại của phe cực hữu lần này phải cần đến cuộc bầu cử vòng 2, và cách biệt cũng không quá lớn. Điều đó cho thấy, người dân Argentina muốn có sự thay đổi. Nhưng sẽ cần phải có một liên minh chính trị. Đây là điểm khác biệt so với truyền thống”, nhà phân tích Fraga nhận định.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Argentina, các cử tri phải đi bỏ phiếu vòng 2 để bầu ra Tổng thống nắm quyền điều hành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh trong vòng 4 năm tới. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao cũng khá cao, tới 88%. Điều này chứng tỏ người dân Argentina rất quan tâm tới cuộc bầu cử năm nay.
Kết quả bỏ phiếu tại Argentina cho thấy xã hội nước này hiện đang trong tình trạng chia rẽ. Tỷ lệ ủng hộ ông Macri và người thua cuộc là ông Scioli chênh nhau không đáng kể chỉ với 2,9%. Điều đó chứng tỏ nhiều người vẫn muốn tiếp tục theo đuổi các chính sách tiến bộ.
Kể từ khi chế độ quân sự sụp đổ năm 1983, ông Macri là Tổng thống thứ 3 được bầu cử phe cánh hữu. Nhưng 2 người tiền nhiệm đã phải rời bỏ quyền lực khi chưa kết thúc nhiệm kỳ của mình. "Cái bóng của quá khứ" cũng là một trong những động lực để ông Macri quyết tâm thực hiện những thay đổi chính sách của mình trong 4 năm tới./.