ASEAN đóng vai trò chủ chốt về vấn đề Biển Đông tại Shangri-La 2016

VOV.VN - ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La trong việc giải quyết những căng thẳng liên quan đến Biển Đông hiện nay.

Ngày 3/6 tại Singapore, Đối thoại Shangri-La - Diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực châu Á sẽ chính thức khai mạc. Dư luận khu vực và thế giới lại đặt ra những kỳ vọng về vai trò của ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông giữa các nước thành viên với Trung Quốc.

Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh AP

Trong nhận định tổng kết hội nghị năm 2015, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, ông John Chipman nhận định, Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 có những phát biểu thẳng thắn đáng kể từ các bộ trưởng.

Các bộ trưởng đã tiến hành rất nhiều phiên thảo luận về vấn đề Biển Đông, sự cấp thiết để có thể sớm hoàn tất và tiến tới ký kết Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố, EU sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN trên nguyên tắc “đối tác vì mục đích chiến lược”, đồng thời nhấn mạnh, trật tự hàng hải phải dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen khẳng định: “Ổn định và an ninh ở Đông Á cũng như Đông Nam Á là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của các nước trong khu vực mà cũng là của các nước châu Âu.

Trong bối cảnh ASEAN đang tăng cường tập trung vào an ninh thì hợp tác giữa ASEAN và EU về quốc phòng và an ninh cũng cần phải được tăng cường. Đối thoại và chia sẻ ý kiến giữa các lục địa có thể xây dựng một thế giới đoàn kết hơn, ổn định hơn và an toàn hơn”.

Phát biểu tại một sự kiện có sự tham gia của khoảng 160 doanh nhân, học giả và quan chức cũng do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức tại Singapore, hồi đầu tháng 5 vừa qua, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã chỉ ra rằng, ASEAN sẽ cần có sự tham gia của Trung Quốc để đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002 và thúc đẩy đàm phán về các điều khoản mang tính ràng buộc pháp lý trong COC.

Ông Lê Lương Minh cho biết, ASEAN và Trung Quốc chia sẻ những nguyên tắc chung như đã nêu trong DOC, bao gồm tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS, giải quyết hòa bình các tranh chấp và không có những hoạt động phá vỡ nguyên trạng.

Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách lớn giữa những cam kết và tình hình thực tế trên Biển Đông. Theo ông Lê Lương Minh, việc không thể thực hiện  DOC đã khiến những nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông trở nên khó khăn hơn.

Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh “thực tế việc chúng ta cần COC là bởi DOC đã không được thực thi một cách hiệu quả và đầy đủ”. Tổng Thư ký ASEAN cho rằng, cần phải có thêm những cam kết ngoại giao và chính trị để thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông DOC và đạt được những tiến bộ rõ rệt trong đàm phán COC.

Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện ở Malaysia mới đây, Tiến sỹ Carla Freeman, Giám đốc Viện Chính sách Đối ngoại Mỹ cũng cho rằng các quốc gia ASEAN cần phải nỗ lực và đoàn kết nhiều hơn để cùng Trung Quốc tìm giải pháp. Bà Freeman tiết lộ Mỹ có thể đóng vai trò trung gian trong quá trình thương thảo giữa Trung Quốc và ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Ngay trước Đối thoại Shangri-La lần này, các quan chức ASEAN cũng đã có cơ hội chia sẻ những đánh giá về tình hình an ninh khu vực tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN lần thứ 10 (ADMM 10) ở Vientiane, Lào, trong đó an ninh an toàn hàng hải trên Biển Đông, biển Hoa Đông và châu Á–Thái Bình Dương cũng đã được đề cập đậm nét.

Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN lần thứ 10 đã khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông theo các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận như UNCLOS.

Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cho rằng những hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế, những cam kết khu vực như là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông DOC, thay đổi nguyên trạng… là những vấn đề đang tạo ra những nguy cơ dẫn đến xung đột. Nếu các nước không hợp tác, không cùng nhau xử lý những nguy cơ đe dọa xung đột bằng các biện pháp hòa bình, trên nền tảng luật pháp quốc tế cũng như các cam kết khu vực thì có thể tạo ra những nguy cơ đe dọa đến hòa bình, ổn định ở khu vực.

Nhận định về tầm nhìn và vai trò của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông trong giai đoạn này, ông Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Quốc phòng, cho biết: “Thực ra, ASEAN đã chính thức trở thành một cộng đồng theo ký kết thỏa thuận của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN. Hiện nay ASEAN đã có một tầm nhìn, hành động và lập trường tương đối đồng thuận.

Tuy còn có những vấn đề lợi ích quốc gia khác biệt nhưng đó không phải là thách thức đối với ASEAN hay sự đoàn kết của ASEAN. Tôi cho rằng xu thế hợp tác của ASEAN đối với các đối tác, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc, hướng tới COC là mong muốn của tất cả các bên liên quan trực tiếp là ASEAN và Trung Quốc và cả những nước có liên quan”.

Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 hồi đầu tuần này, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng khẳng định, dù phải đối mặt với hàng loạt thách thức, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất và gắn kết để đảm bảo tiếp tục có được sự tín nhiệm và phù hợp với vai trò trung tâm của khu vực trong bối cảnh địa chính trị khu vực có những thay đổi cả về không gian mạng, trên đất liền, trên biển và trên không. 

Ông Razak cho rằng các diễn biến trên biển Đông thời gian qua cho thấy các quốc gia cả trong và ngoài khu vực cần phải xử lý hết sức thận trọng. Theo ông, trong tình hình hiện nay, ASEAN cần nhanh chóng kết thúc đàm phán và ký thông qua COC với Trung Quốc.

Trong thời gian chờ đợi, Malaysia kêu gọi tất cả các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đồng thời ông cũng cho biết Malaysia sẽ tiếp tục dựa vào ngoại giao và đối thoại để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên