Nhà khoa học Nhật Pavin Chachavalpongpun: Các cuộc họp cấp cao ASEAN là diễn đàn cần thiết để các nước thảo luận vấn đề Biển Đông
- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 và các hội nghị liên quan
- Bộ Quy tắc ứng xử - giải pháp cho tranh chấp Biển Đông
Các quan chức cấp cao của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp lâu dài để giải quyết những tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nỗ lực này sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 9/7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen (nước của ông hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm ra các biện pháp giải quyết cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Thủ tướng Hun Sen nói: “Chúng ta nên nhấn mạnh việc thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, văn kiện mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002, theo đó các bên đồng ý giải quyết vấn đề một cách hoà bình.
Đài BBC dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề ASEAN tại Đại học New South Wales (Australia), cho rằng tuần này là thời gian quyết định đối với các nước ASEAN liên quan tới vấn đề Biển Đông.
Ông Pavin Chachavalpongpun, nhà khoa học chính trị làm việc tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), cũng cho rằng các cuộc họp cấp cao trong tuần này của ASEAN sẽ là những diễn đàn cần thiết để các nước thảo luận vấn đề này.
Ông Justin Logan, nhà nghiên cứu của Viện Cato ở Washington (Mỹ), cho biết dư luận hy vọng Hội nghị của ASEAN tại Phnompenh (Campuchia) sẽ đạt được tiến bộ để ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các nhà phân tích nhận định, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng muốn trấn an các đối tác châu Á rằng Washington có cam kết với khu vực. Giáo sư Carl Thayer nói: “Ngoại trưởng Clinton sẽ cố gắng thúc đẩy một loạt đề xuất để nhấn mạnh rằng sự quan tâm của Mỹ ở Đông Nam Á”.
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN + 3 (Ảnh Reuters) |
Trong khi đó, ngày 9/7 vừa qua, Bắc Kinh cũng thể hiện mong muốn thảo luận về COC với các đối tác ASEAN song nhấn mạnh, bất kỳ thoả thuận nào cũng không được sử dụng để giải quyết những tuyên bố chủ quyền. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói Bắc Kinh chỉ tham gia hoàn thiện COC “khi điều kiện chín muồi” và COC “không nhằm giải quyết tranh chấp” mà chỉ “để xây dựng lòng tin”.
Báo Thanh niên dẫn lời Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về các vấn đề ASEAN tại Đại học New South Wales (Australia) nhận định: “Lập trường này của Trung Quốc không khác gì những thứ đã có trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”. Thế giới mong đợi một COC có tính ràng buộc pháp lý với những cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả chứ không chỉ “xây dựng lòng tin”.
Vấn đề biển Đông tiếp tục nóng trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) hôm qua (10/7). Cuộc họp có mặt Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh thay mặt Bộ trưởng Phạm Bình Minh tham dự.
Trong thảo luận, nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, gây phương hại đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, khẳng định tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS).
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh tiếp tục khẳng định lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối Trung Quốc phê chuẩn thành lập “thành phố Tam Sa” cũng như mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển của LHQ 1982 và trái với tinh thần DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Kao Kim Houn thừa nhận tại cuộc họp báo sau đó rằng Philippines cũng lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề biển Đông./.