Australia cam kết điều tra minh bạch vụ bắt cóc con tin
Thủ tướng Australia cho biết chính phủ nước này có hàng loạt câu hỏi đặt ra cho các quan chức liên quan, nhằm làm rõ lý do vụ việc.
Ngày 16/12, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã cam kết tiến hành một cuộc điều tra hoàn toàn minh bạch về việc phần tử cực đoan Man Haron Monis không bị giám sát tại thời điểm y tiến hành vụ bắt cóc con tin ở trung tâm thành phố Sydney. Monis đã bị cảnh sát Australia tiêu diệt tại hiện trường vụ việc.
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh ABC của Australia, Thủ tướng Abbott cho biết chính phủ nước này có hàng loạt câu hỏi đặt ra cho các quan chức liên quan, nhằm làm rõ lý do phần tử đầy tiền án, tiền sự này không nằm trong bất cứ danh sách theo dõi khủng bố nào và thậm chí có được vũ khí.
Ông Abbott nêu rõ: "Chúng tôi muốn biết vì sao với tiền sử bạo lực, tâm thần bất ổn và cực đoan cuồng tín, hắn lại không bị kiểm soát". Ông Abbott cũng thừa nhận hệ thống an ninh Australia đã không đối phó thích đáng với Monis và nước này phải thường xuyên ghi nhớ những bài học từ vụ việc.
Man Haron Monis là phần tử không xa lạ gì với cảnh sát bang New South Wales cũng như cảnh sát liên bang Australia. Khi thực hiện vụ bắt cóc táo tợn ở quán cà phê Lindt Chocolat ngay giữa thành phố Sydney ngày 15/12 vừa qua, Monis đang tại ngoại sau khi được bảo lãnh khỏi hàng loạt cáo buộc như xâm hại tình dục hàng loạt, tòng phạm giết người,...
Tháng trước, tay súng gốc Iran 50 tuổi trên từng đăng tải một tin nhắn viết bằng tiếng Arab lên trang web của mình, tuyên bố trung thành với "vương quốc của người Hồi giáo", được cho là ám chỉ nhóm phiến quân tự xưng "Nhà nước Hồi giáo" (IS).
Cũng trong ngày 16/12, Lực lượng cảnh sát quốc gia Iran cho biết Tehran từng cố gắng dẫn độ Monis, song Australia đã từ chối với lý do không có thỏa thuận dẫn độ giữa hai nước.
Hãng thông tấn chính thức IRNA của IRAN dẫn lời người đứng đầu lực lượng này, Tướng Ismail Ahmadi Moghaddam cho hay Iran từng cảnh báo Australia về quá khứ tôn giáo cực đoan của Monis, người được cấp quy chế tị nạn chính trị tại Australia năm 1996 và từng gây tai tiếng vì đã gửi các bức thư mang lời lẽ xúc phạm tới gia đình các binh sĩ nước này bị thiệt mạng tại Afghanistan trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2009.
Hiện tại, an ninh trên toàn Sydney đang được tăng cường với hàng trăm cảnh sát được triển khai khắp các đường phố. Theo Trung tá Michael Fuller, lực lượng an ninh có mặt tại nhiều nơi công cộng, các sự kiện thể thao, các nút giao thông cũng như nhiều khu vực cần thiết khác, trong bối cảnh gần lễ đón Năm mới cận kề.
Ông Fuller cho biết không có thông tin tình báo về việc lặp lại vụ tấn công vừa qua, song có thể thấy rõ "sự sợ hãi trên những gương mặt ở quận Martin Place".
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Sydney cho biết ngày 16/12, cảnh sát Australia đã phong tỏa hai khu vực gần Sydney vì bị đe dọa đánh bom. Sự việc xảy ra chỉ một ngày sau khi Australia hoàn tất chiến dịch giải cứu con tin tại quán cà phê Lindt.
Tối 16/12, hàng trăm người dân sinh sống tại các tòa nhà trên đường Charles và Hassal ở vùng Parramatta thuộc ngoại ô Sydney đã được lệnh sơ tán vì mối đe dọa đánh bom. Một đội rà phá bom mìn đã được triển khai để kiểm tra an ninh khu vực xung quanh trụ sở cảnh sát tiểu bang New South Wales nằm trên đường Charles.
Sau khi không phát hiện nguy cơ bom mìn, cảnh sát cho phép người dân trở về nhà. Người phát ngôn cảnh sát New South Wales không xác nhận thông tin chi tiết vụ việc, song cho biết hoạt động đảm bảo an ninh đã được triển khai như một biện pháp phòng ngừa.
Cùng ngày, một Văn phòng dịch vụ Nhà trên đường Swan ở Wollongong đã nhận được thông điệp ngắn đe dọa có bom trong Tòa nhà. Ngay lập tức, cảnh sát, lực lượng chữa cháy và cứu thương đã có mặt tại hiện trường, đồng thời phong tỏa đường Swan.
Hơn 100 người đã được sơ tán trong lúc các đội rà phá bom mìn làm việc. Cảnh sát tập trung kiểm tra các bì thư được gửi tới tòa nhà trong ngày 16/12. Sau khi không phát hiện thuốc nổ, hoạt động trên đường Swan trở lại bình thường./.