Australia đánh giá cao mô hình ứng phó dịch Covid-19 của Việt Nam

Australia đánh giá cao mô hình ứng phó dịch Covid-19 của Việt Nam

VOV.VN - Chuyên gia Australia nhận định, nhờ chiến lược đúng đắn nên Việt Nam đã ngăn chặn được sự lây lan rộng của dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đang diễn biến theo các chiều hướng khác nhau trên thế giới. Trong lúc đa phần các quốc gia vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh như Mỹ, Nhật Bản hay một số quốc gia Châu Âu thì một số nước như Australia, New Zealand, Hàn Quốc và cả Việt Nam cũng đang có chính sách kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Chuyên gia Australia nhận định, những gì mà Việt Nam đang làm được không tự nhiên xuất hiện mà nó là thành quả của sự chuẩn bị trong nhiều năm, của việc xử lý sớm, sự thận trọng và công tác phòng dịch hiệu quả của Việt Nam.

au_rgcz.jpg
Bài báo đăng trên trang tin điện tử Nhà chiến lược của ASPI đánh giá cao việc xử lý sớm và hiệu quả dịch Covid-19 của Việt Nam.

Ông Michael Shoebridge, Giám đốc Chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia, một trong những cơ quan nghiên cứu chính sách hàng đầu của Australia đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19.

Ông Michael Shoebridge nhận định, nhờ chiến lược đúng đắn nên Việt Nam đã ngăn chặn được sự lây lan rộng của dịch Covid-19: “Tôi rất ấn tượng về cách mà chính phủ và người dân Việt Nam đối phó với Covid-19. Nếu so sánh với thế giới thì có thể thấy nỗ lực của Việt Nam thật là phi thường và thật ấn tượng. Nhìn vào thống kê số ca bệnh và người thiệt mạng vì Covid-19 và so sánh với các quốc gia khác trên thế giới thì có thể thấy Việt Nam là một nước được xếp thứ hạng cao trong việc kiểm soát dịch Covid-19, cũng giống như Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong kiểm soát dịch Covid-19. Tôi cho rằng có nhiều kinh nghiệm có thể học hỏi từ Việt Nam. Việt Nam có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc nên có nhiều lý do để ngay từ những giai đoạn đầu, dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng tại Việt Nam và trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy vậy, nhờ những nỗ lực sớm của chính phủ và nhân dân Việt Nam nên đã sớm ngăn chặn được sự lây lan rộng của Covid-19 vào Việt Nam”.

au_2_chyt.jpg
Ông Michael Shoebridge, Giám đốc Giám đốc Chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia thuộc ASPI. Nguồn Bộ Quốc phòng Australia.

Cùng chung nhận định với ông Michael Shoebridge, một bài báo được xuất bản trên trang thông tin điện tử Nhà chiến lược thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia cũng nhấn mạnh, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Trung Quốc và chưa xâm nhập vào Việt Nam, Việt Nam đã “không coi Covid-19 như cúm mùa thông thường” mà cho rằng đây có thể là “bệnh nghiêm trọng và có thể nguy hiểm như dịch SARS vào năm 2003”.

Bài báo cho biết, vì sự thận trọng này nên “ngay từ ngày 3/1, trước khi có người đầu tiên tử vong vì Covid-19 tại Trung Quốc” và 20 ngày “trước khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, Việt Nam đã thắt chặt kiểm soát biên giới và nâng cao mức cảnh báo tới tất cả các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở các địa phương về dịch bệnh này”.

Các nhà phân tích chiến lược Australia cũng nhận định, sự cảnh giác cao trước dịch bệnh của Việt Nam xuất phát từ kinh nhiệm Việt Nam phải đối phó với dịch SARS. Ông Michael Shoebridge khẳng định, những bài học từ giai đoạn đó cùng với sự chuẩn bị sau này đã giúp Việt Nam nâng cao khả năng sẵn sàng đối phó với dịch bệnh tương tự như SARS. Và cũng chính điều này đã tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng đưa ra các quy trình ứng phó, góp phần ngăn chặn việc lây lan rộng của Covid-19.

“Kinh nghiệm từ dịch SARS đã làm cho Việt Nam có sự chuẩn bị nghiêm túc khiến cho Việt Nam trở thành một trong những nước có khả năng ứng phó với Covid-19. Chúng ta đều biết rằng, dịch Covid-19 không phải là là đại dịch cuối cùng mà thế giới phải đối mặt, Việt Nam đã biết được điều này kể từ khi có dịch SARS và đây là lý do vì sao Việt Nam đã ứng phó có hiệu quả với Covid-19. Singpore cũng là trường hợp tương tự ngoại trừ tình trạng các lao động người nước ngoài sống tập trung với mật độ cao. Và tình huống tương tự này cũng diễn ra với Hàn Quốc, đất nước có sự hiểu biết về đại dịch, sự chuẩn bị sẵn sàng  cũng như phản ứng sớm. Tôi cho rằng những điều này đã tạo nên thành công cho Việt Nam. Vì thế tôi cho rằng chúng ta cần học tập Việt Nam bởi vì cách suy nghĩ và sự chuẩn bị này không phải tự dưng mà có, mà nó đến từ sự làm việc chăm chỉ trong nhiều năm và sự chuẩn bị đó đã thể hiện được giá trị vào những thời điểm như thế này”, ông Michael Shoebridge nói.

Không chỉ vậy, Australia còn đánh giá cao sự vào cuộc của báo chí Việt Nam khi ngay từ rất sớm, từ ngày 3/1 đã bắt đầu có những bài viết cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19. Theo thống kê của bài viết dựa trên số liệu của 13 báo điện tử hàng đầu tại Việt Nam, tính từ 9/1 đến 15/3, trung bình, mỗi ngày các báo này có 127 tin, bài về chủ đề Covid-19.

Không chỉ xuất hiện trên các báo chí lớn, thông tin về Covid-19 cũng đã được truyền tải rộng khắp trên mạng xã hội khiến cho người dân Việt Nam hiểu, chủ động và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong vấn đề này. Bài báo cũng nhấn mạnh việc Việt Nam sớm đưa vào sử dụng ứng dụng NCOVI trên điện thoại di động “đã giúp cung cấp tới từng người dân thông tin mới nhất về dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh cũng như sớm phát hiện các ổ dịch.”

Đồng thời, bài báo này cũng coi trọng việc Việt Nam áp dụng cộng nghệ để đối phó với Covid-19. Bài báo này cho biết “trong vòng 3 tháng kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, các bệnh viện, viện nghiên cứu và trường đại học của Việt Nam đã tạo ra nền tảng đáng tin cậy để theo dõi các trường hợp phải cách ly, gia tăng việc sản xuất nước khử trùng tay, công bố các phát hiện lâm sàng quan trọng về bệnh và sản xuất được bộ kít xét nghiệm phát hiện ra virus gây ra bệnh Covid-19 với chi phí thấp”.

Bài báo cũng nhắc đến bài hát “Ghen Co Vy” dậy sóng toàn cầu và coi đây là một trong những công cụ để nâng cao ý thức của người dân về dịch bệnh và vai trò quan trọng của việc rửa tay thường xuyên.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, bài báo này nhận định: “Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy bằng cách tập trung vào việc đánh giá sớm rủi ro, truyền thông hiệu quả và sự phối hợp giữa chính quyền và người dân, những quốc gia có nguồn lực hạn chế vẫn có thể quản lý tốt đại dịch. Khi đối mặt với vấn đề chưa được xác định rõ ràng, sự lãnh đạo quyết đoán, thông tin chính xác và sự đoàn kết của cộng đồng sẽ trao quyền để mọi người có thể tự bảo vệ mình và những người xung quanh”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên