Australia và Trung Quốc gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương
VOV.VN - Viện nghiên cứu Lowy có trụ sở tại Australia hôm nay (31/10) vừa công bố báo cáo về việc viện trợ của các nước cho khu vực Thái Bình Dương. Báo cáo cho thấy Australia và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng thông qua các chương trình viện trợ cung cấp cho khu vực.
Báo cáo của Viện Lowy về hoạt động viện trợ cho các nước Thái Bình Dương 2023 cho thấy, trong giai đoạn từ 2008 đến 2021, Australia đang là nhà tài trợ lớn nhất khu vực với số vốn viện trợ cung cấp lên đến 17 tỷ USD, chiếm khoảng 40% nguồn vốn viện trợ mà các đối tác cung cấp cho khu vực.
Đứng thứ hai là Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) với số vốn tài trợ lên đến 4,1 tỷ USD và đứng thứ ba là Trung Quốc với số vốn tài trợ đạt khoảng 3,9 tỷ USD, tiếp sau đó là Nhật Bản với số vốn tài trợ lên đến 3,5 tỷ USD và New Zealand đứng thứ 5 với 3,2 tỷ USD.
Trong đó đáng chú ý, nghiên cứu cho thấy sự cạnh tranh giữa Australia và Trung Quốc thể hiện qua việc thay đổi xu hướng cung cấp viện trợ cho khu vực.
Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh vào năm 2021, Trung Quốc hạ mức viện trợ cho khu vực xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 241 triệu USD/năm. Việc cắt giảm tổng nguồn vốn viện trợ của Trung Quốc cũng khiến cho các số tiền tài trợ dành cho các dự án sụt giảm mạnh. Vào giai đoạn ngay sau khi Sáng kiến Vành đai Con đường được công bố vào 1 thập kỷ trước, trung bình 1 dự án tại khu vực được Trung Quốc tài trợ 40 triệu USD thì trong những năm qua, số tiền này giảm xuống chỉ còn 5 triệu USD.
Mặc dù Trung Quốc thu hẹp vốn viện trợ phát triển cung cấp cho khu vực song báo cáo khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong khu vực vẫn rất đáng kể. Trong lúc thu hẹp về quy mô dự án, Trung Quốc cũng tập trung tài trợ các lĩnh vực đáp ứng mục đích chính trị và tập trung vào một số nước có quan hệ chính trị tốt. Với các quốc gia như Quần đảo Cook, Samoa, Tonga, Vanuatu, Trung Quốc tài trợ 1/5 số vốn viện trợ phát triển mà các nước này nhận được từ các đối tác, trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai. Tuy vậy Trung Quốc hiện không phải là nhà tài trợ lớn nhất ở bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Thái Bình Dương.
Về phía Australia, trong lúc Trung Quốc giảm cung cấp vốn viện trợ cho khu vực và tập trung vào 1 số trọng tâm thì Australia vẫn duy trì là nhà cung cấp viện trợ hàng đầu. Bất chấp đại dịch, từ năm 2021, Australia cùng với Nhật Bản đã tăng số tiền viện trợ cho các nước Thái Bình Dương nâng tổng số tiền viện trợ trực tiếp mà khu vực nhận được từ 374 triệu USD giai đoạn trước đại dịch lên đến 2,1 tỷ USD trong 2 năm 2020 và 2021.
Không chỉ là nhà tài trợ hàng đầu của toàn bộ khu vực, Australia cũng là nhà tài trợ hàng đầu ở 9 quốc gia trong khu vực, trong khi Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất ở 2 quốc gia và New Zealand là nhà tài trợ lớn nhất ở 2 vùng lãnh thổ.
Về lĩnh vực tài trợ, Australia đang tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng cơ sở trong cả nguồn vốn viện trợ và vốn cho vay. Tài chính khí hậu cũng là lĩnh vực mà các nước Thái Bình Dương nhận được nhiều viện trợ song số lượng vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia tài trợ nhiều cho các dự án liên quan đến khí hậu.
Trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với những rủi ro lớn về các khoản vay trước đó, Australia vẫn tiếp tục khẳng định là quốc gia cung cấp vốn vay chính cho các nước Thái Bình Dương.
Những thách thức mà khu vực Thái Bình Dương đang đối mặt tạo ra khoảng trống để các nước một mặt hỗ trợ, mặt khác gia tăng ảnh hưởng. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị đang gia tăng, vốn viện trợ phát triển đang trở thành một trong những công cụ mềm. Tuy vậy thực tế cho thấy tổng nguồn vốn không phải là thước đo duy nhất để đong đếm sự ảnh hưởng của một quốc gia trong khu vực. Và đây là bài học mà cả Australia và Trung Quốc đều đã rút ra và vì vậy hai nước đang có những điều chỉnh nhằm đạt được mục đích của mình.