Ba Lan đề nghị Mỹ bổ sung hỏa lực và tăng cường sự hiện diện quân đội
VOV.VN - Ba Lan mong muốn các thiết bị và vũ khí của Mỹ đến các kho dự trữ đặc biệt của nước này để tăng cường hơn tiềm năng quân sự và sự hiện diện của Mỹ tại Ba Lan nhằm phản ứng nhanh trước các nguy cơ an ninh trong bối cảnh xung đột hiện nay .
Trước đó, Tổng thống Andrzej Duda đã nêu vấn đề này với người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong các cuộc hội đàm ở Warsaw. Chuyến thăm hai ngày của Tổng thống Mỹ tới Warsaw đã kết thúc với cuộc gặp các nhà lãnh đạo Ba Lan và các quốc gia NATO khác ở sườn phía Đông của liên minh để thảo luận về an ninh khu vực.
Kể từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, số lượng lính Mỹ hoạt động bên ngoài Ba Lan đã gia tăng đáng kể, khoảng 11.000 binh lính Mỹ hiện đang thực hiện các nhiệm vụ ở nước này. Trước đó, Ba Lan đã nổi lên như một trung tâm có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu kể từ năm 2014. Theo các nguồn tin cho biết, một kho dự trữ quân sự mới dự kiến sẽ mở cửa sau nhiều năm xây dựng và sẽ được lấp đầy bằng xe tăng chiến đấu, xe bọc thép và pháo binh. Đây là một trong những sáng kiến cơ sở hạ tầng do NATO tài trợ lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Mục đích của các kho dự trữ quân sự là các thiết bị chiến đấu sẵn sàng được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Trong các cuộc thảo luận với tổng thống Mỹ, Tổng thống Ba Lan Duda cho biết hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về sự cần thiết của các thủ tục để triển khai lực lượng tới mặt trận phía Đông trong các tình huống khủng hoảng.
NATO dự kiến sẽ có các điều chỉnh kế hoạch phòng thủ khu vực bao gồm cách thức huy động các đơn vị để củng cố sườn phía Đông. Dự kiến, vấn đề này sẽ được các nguyên thủ quốc gia trong khối thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 7 tới ở Litva.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 23/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak cho biết đang tăng cường các biện pháp an ninh ở biên giới với Belarus và khu vực Kaliningrad của Nga. Ba Lan đã bắt đầu thiết lập hệ thống các chướng ngại vật bằng bê tông và thép tại các điểm giao cắt, đây là một phần trong chiến lược phòng thủ và răn đe của Ba Lan. Ba Lan hiện cũng là quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất của EU và NATO trong việc kêu gọi phản ứng cứng rắn đối với Nga trong cuộc xung đột hiện tại./.