Bahrain tiến hành đối thoại dân tộc
Mục tiêu của buổi đối thoại là tìm ra "những nguyên tắc chung trong việc tái thực hiện tiến trình cải cách chính trị".
Ngày 1/7, Bahrain đã tiến hành buổi "đối thoại dân tộc" giữa các nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni và những người Hồi giáo dòng Shiite thuộc phe đối lập chính, nhằm hướng tới việc tiến hành các cải cách ở Bahrain sau khi xảy ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và lực lượng an ninh hồi tháng 3 vừa qua khiến 31 người thiệt mạng.
Phát biểu tại phiên khai mạc, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, Chủ tịch Quốc hội Khalifa Dhahrani khẳng định, phiên đối thoại này sẽ không có những điều kiện tiên quyết và không có giới hạn về yêu cầu mà các phái đoàn có thể đưa ra.
Hàng chục người đã thiệt mạng do xung đột hồi đầu năm tại Bahrain |
Chính đảng lớn nhất của người Shiite tại Bahrain Al Wefaq vào phút cuối đã đồng ý tham gia các cuộc đàm phán do chính phủ chủ trì, bắt đầu từ ngày 2/7 tại Trung tâm Hội nghị ở Thủ đô Manama.
Dự kiến các cuộc đối thoại sẽ diễn ra 3 lần mỗi tuần để thảo luận từ vấn đề chính trị đến kinh tế, xã hội...
Phát biểu tại buổi đối thoại, Người phát ngôn buổi đối thoại dân tộc, ông Isa Abdulrahman cho biết: “Các phần thảo luận được chia nhỏ gồm nhiều chủ đề thảo luận đã được các bên tham gia đề xuất và sẽ được thảo luận theo từng nhóm tập trung. Về chính trị sẽ bao gồm các phần phụ như: các tổ chức chính trị, Quốc hội và Hội đồng Sura, một chính phủ đại diện cho ý chí của người dân và hệ thống bầu cử.”
Mâu thuẫn chính trị tại Bahrain đã kéo dài trong nhiều tháng qua. Trong một cuộc xung đột hồi tháng 2/2011 giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh, đã có 24 người thiệt mạng.
Quốc vương Bahrain Hamad Bin Issa Al-Khalifa ngày 31/5 vừa qua đã đề xuất đối thoại dân tộc để cải cách, phát triển đất nước trên mọi mặt, đồng thời hối thúc người dân tham gia cuộc đối thoại này và chuẩn bị mọi biện pháp cần thiết để cuộc đối thoại được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện.
Đề xuất của Quốc vương đưa ra một ngày trước khi Lệnh tình trạng khẩn cấp, áp đặt từ ngày 13/3 nhằm đối phó với tình trạng biểu tình đòi cải cách chính trị do người Hồi giáo dòng Siai cầm đầu, được bãi bỏ./.