Bài học đắt giá khi nhiều hình mẫu chống Covid-19 nới lỏng hạn chế quá sớm
VOV.VN - Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức và Singapore đang lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 do nới lỏng hạn chế quá sớm.
Nguy cơ bùng phát “làn sóng thứ 2”
“Dịch bệnh vẫn chưa qua cho đến khi nào nó chấm dứt”, đó là phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày hôm qua (11/5) sau khi một ổ dịch Covid-19 mới xuất hiện tại thủ đô Seoul của nước này, làm dấy lên sự lo sợ về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Hàn Quốc đã thông báo xuất hiện một ổ dịch mới sau khi nới lỏng hạn chế chống Covid-19. Ảnh: Yonhap. |
Hàn Quốc – một trong những quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, đang có xu hướng nới lỏng các hạn chế, sau nhiều tuần áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và giám sát chặt chẽ. Nhưng ổ dịch mới dường như đã đặt dấu chấm hết cho kế hoạch mở cửa trở lại. Tổng thống Moon Jae-in cảnh báo người dân rằng: “Chúng ta có lẽ không thể hạ thấp công tác phòng chống dịch bệnh”.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tái áp dụng các biện pháp hạn chế sau khi 2 thành phố ở nước này thông báo có các ca mắc mới Covid-19. Thành phố Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm, ở khu vực đông bắc đã phải phong tỏa sau khi xác nhận 11 ca mắc mới. Cát Lâm nằm giáp biên giới với Nga và Triều Tiên, luôn trong tình trạng phấp phỏng lo sợ về việc những ca bệnh nhập khẩu từ bên ngoài có thể gây ra đợt bùng phát Covid-19 mới.
Đáng báo động là ổ dịch mới tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc– nơi phát hiện các ca mắc Covid-19 đầu tiên vào cuối năm 2019. Vũ Hán là thành phố đầu tiên trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa, đã mở cửa ngày 8/4 và trở lại trạng thái gần như bình thường vào cuối tháng 4.
Tuy nhiên hôm qua (11/5), giới chức thành phố cho biết đã xuất hiện 5 ca mắc mới Covid-19 và không 1 trường hợp nào “nhập khẩu” từ nước ngoài. Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng hoặc so với số ca mắc ở Mỹ và Tây Âu hiện nay, nhưng nguy cơ virus SARS-CoV-2 tiếp tục lan rộng mà không bị phát hiện, đặc biệt là tại thành phố được giám sát chặt chẽ như Vũ Hán, sẽ dẫn đến những lo ngại về việc mở cửa trở lại.
Người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mi Feng cuối tuần qua kêu gọi người dân “đề cao cảnh giác và tăng cường thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân để phòng ngừa virus”. Ông Mi Feng lưu ý rằng các ổ dịch mới xuất hiện là lời nhắc nhở tránh xa việc tụ tập đông người và sự cần thiết phải tìm kiếm lời khuyên từ giới chức y tế hoặc xét nghiệm nếu xuất hiện triệu chứng nhiễm virus.
Trước khi xuất hiện những ổ dịch mới nêu trên, số ca mắc mới tại cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều ở mức thấp và việc lây nhiễm trong cộng đồng dường như đã được ngăn chặn hoàn toàn.
Nếu như có nhiều câu hỏi được đặt ra về tính chính xác trong số liệu thống kê của Trung Quốc cũng như sự hoài nghi liên quan đến việc liệu một quốc gia rộng lớn như vậy có thể phát hiện và ngăn chặn được tất cả các ca bệnh hay không, thì Hàn Quốc lại được đánh giá là một trong những quốc gia có mô hình chống dịch tốt nhất thế giới, một phần nhờ vào diện tích và quy mô dân số nhỏ hơn, với các đường biên giới dễ dàng kiểm soát.
Dịch Covid-19 “đảo chiều” tại châu Âu, vì sao Anh vẫn “thất thủ”?
Tại châu Âu, Đức cũng được coi là một hình mẫu về cách đối phó với dịch bệnh, nhưng tỷ lệ lây nhiễm (RO) tại quốc gia này đã tăng trên 1 trong 2 ngày qua, theo Viện Robert Koch (RKI). Điều này có nghĩa là một người mắc bệnh trung bình sẽ lây nhiễm cho hơn 1 người khác.
Đức từng được coi là câu chuyện thành công tại châu Âu nhờ vào hệ thống y tế hiện đại bậc nhất và chương trình xét nghiệm trên diện rộng ở giai đoạn sớm. Tỷ lệ lây nhiễm tại quốc gia này ước tính đã giảm xuống còn 0,65 vào ngày 7/5. Thủ tướng Angela Merkel tuần trước cho biết, tín hiệu này giúp nước Đức có thêm can đảm, nhưng bà vẫn cảnh báo cần phải theo dõi chặt chẽ để “thành công không vuột khỏi tầm tay”.
Theo thống kê của Viện Robert Koch (RKI), Đức đã ghi nhận 933 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 170.508 trường hợp. RKI cho biết, tỷ lệ lây nhiễm gia tăng cho thấy sự cần thiết quan sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trong những ngày tới”. Chính phủ liên bang và chính quyền các bang đã nhất trí về một cơ chế ngăn ngặn trong trường hợp dịch bệnh tái bùng phát. Theo đó, nếu bất cứ khu vực nào có hơn 50 ca mắc mới trên 100.000 người dân thì sẽ phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa. Cuối tuần quan, một số khu vực tại Đức đã vượt quá giới hạn này.
Không chỉ riêng Hàn Quốc, Trung Quốc và Đức, các nhà quan sát cũng đang nhìn vào thực tế tại Singapore. Đầu tháng 4/2020, quốc gia Đông Nam Á này chỉ ghi nhận chưa đến 2.000 trường hợp mắc Covid-19 nhưng đến nay đã tăng vọt tới 23.000 trường hợp. Đây là rủi ro tiềm ẩn của việc nới lỏng các hạn chế quá sớm và quan điểm sai lầm cho rằng họ đã chiến thắng trong cuộc chiến dù nó mới chỉ bắt đầu. Chính phủ Singapore đang đẩy mạnh việc tìm kiếm những người đã tiếp xúc với người bệnh, hạn chế di chuyển, thậm chí triển khai chó robot để khuyến khích giãn cách xã hội, trong một nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Bài học đắt giá
Liệu những quốc gia này có mang đến bất cứ bài học nào cho phương Tây – nơi mà nhiều quốc gia chỉ đi sau vài tuần trong tiến trình bùng phát dịch bệnh? Theo CNN, một số nước vẫn cố gắng nới lỏng các biện pháp hạn chế dù tỷ lệ lây nhiễm cao đỉnh điểm.
Trước đó, chính phủ nhiều nước phương Tây đã trì hoãn hành động khi virus SARS-CoV-2 lan rộng khắp châu Á, dù có bằng chứng rõ ràng rằng virus này có khả năng gây ra đại dịch toàn cầu. Kinh nghiệm và lời khuyên của châu Á về việc đeo khẩu trang cũng bị bỏ qua nhiều tháng cho đến khi Covid-19 thành đại dịch.
Thực tế diễn ra tại Hàn Quốc, Đức và Singapore hiện nay làm dấy lên nhiều lo ngại. Đây đều là những quốc gia được coi là mô hình thành công trong kiểm soát dịch bệnh, nhưng hiện giờ lại phải đối mặt với nhiều rủi ro do nới lỏng các hạn chế quá sớm. Nếu những nước từng thắng lợi trong cuộc chiến chống Covid-19 không thể tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh thì một quốc gia với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày có thể hy vọng vào điều gì?
Theo CNN, bức tranh toàn cảnh vẫn không quá ảm đạm và không có lý do gì để từ bỏ cuộc chiến. Việt Nam và Thái Lan đang thảo luận về tiềm năng tạo ra một hành lang du lịch vì 2 quốc gia này đã kiểm soát được sự lây nhiễm trong nước. New Zealand và Australia cũng nhất trí sự hợp tác tương tự, dù quá trình này phải mất thời gian dài. Và Hong Kong (Trung Quốc) đã thành công trong việc ngăn chặn làn sóng thứ 2 khi không ghi nhận ca mắc mới nào tại địa phương trong 21 ngày, làm gia tăng khả năng chính quyền khu vực sẽ tuyên bố loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 5/2020. Kinh nghiệm của nhiều nước châu Á cho thấy, cảnh giác cao độ và sự kiên nhẫn chính là bí quyết đối phó với dịch bệnh hiệu quả./.