Báo chí phương Tây "nghiêng mình" trước Tướng Giáp
VOV.VN - “Vị tướng huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam qua đời”, đây là tiêu đề được nhiều báo chí phương Tây đồng loạt đăng tải.
Hãng tin AFP đã ca ngợi Đại tướng là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc đã dẫn dắt một quân đội Việt Nam còn non trẻ chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hùng mạnh.
Hãng thông tấn Pháp cũng nhấn mạnh rằng Đại tướng là anh hùng dân tộc, một người quan trọng thứ 2 sau người thầy của mình, lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.
Người rất được phương Tây kính nể (Ảnh /AFP) |
Được ví như "Napoleon đỏ", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân chân đi dép lốp mang những khẩu pháo băng rừng vượt suối bao vây và đánh tan quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến công vĩ đại này của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân tại bán đảo Đông Dương và trên toàn thế giới.
“Giống như một tia lửa lóe lên làm nổ tung cả “thùng thuốc súng khổng lồ thực dân”. Chỉ chưa đầy nửa tháng sau trận Điện Biên Phủ, cuộc chiến tranh giành độc lập của Algeria bắt đầu nổ ra trong ngày Lễ Các Thánh (1/11/1954). Điện Biên Phủ chính là khởi nguồn của cuộc chiến tranh này”, sử gia Pháp Huegues Tertrais nhận xét với hãng thông tấn AP của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế năm 2004 nhân dịp 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Nếu một đất nước quyết tâm đứng lên thì ý chí của nó sẽ rất mạnh mẽ. Chúng tôi rất tự hào vì Việt Nam là nước thuộc địa đầu tiên dám đứng lên và dành độc lập cho mình”.
Sau đó ông còn lãnh đạo nhân dân Việt Nam chiến thắng quân Mỹ, giải phóng miền nam thống nhất đất nước năm 1975.
Báo Skynews của Australia còn trích đăng đoạn phỏng vấn nổi tiếng của Đại tướng với kênh PBS trong đó ông nói :”Khi tôi còn trẻ, tôi luôn mong một ngày mình được nhìn thấy đất nước mình được tự do và độc lập. Đấy chính là ngày mà ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực”.
Theo nhà báo người Mỹ Stanley Karnow, tài năng của Đại tướng giúp ông xứng đáng có tên trong “ngôi đền Panthenon của các nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại” cùng với Quận công Wellington, Ulysses S. Grant và Tướng Douglas MacArthur. “Tuy nhiên, không giống họ, tài năng của ông là thiên bẩm chứ không phải qua trường lớp đào tạo chính quy”.
Tờ New York Times ngợi ca Đại tướng là người cuốn hút, đầy nhiệt huyết, có kiến thức về lịch sử quân sự uyên thâm và và một người theo chủ nghĩa dân tộc mãnh liệt biết sử dụng ảnh hưởng sâu rộng của mình để khuyến khích quân đội cống hiến hết mình cho tổ quốc.
Rất nhiều người ngưỡng mộ ông đã đặt ông bên cạnh các tướng lĩnh nổi tiếng như Thống chế Rommel và nhiều nhà chỉ huy quân sự vĩ đại khác của thế kỷ 20.
“Ông ấy học rất nhanh từ những lỗi lầm của mình và không bao giờ lặp lại chúng nữa”, Tướng Marcel Bigeard, một đại tá trẻ thuộc đội lính dù Pháp thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã bộc bạch như vậy với Peter G. Macdonald, một trong số nhiều người viết tiểu sử về Đại tướng.
“Mong Đại tướng yên nghỉ, ông vẫn luôn là vị tướng vĩ đại nhất của chúng tôi”, là nội dung được rất nhiều người tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng chia sẻ trên các báo mạng quốc tế./.