Bao giờ hòa bình quay về lại Syria?

Bất đồng sâu sắc của quốc tế khiến hy vọng chấm dứt khủng hoảng tại Syria càng trở nên mong manh.  

Bất chấp những nỗ lực không ngừng của các bên liên quan, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 18 tháng qua tại Syria, đỉnh điểm là sự đối đầu quân sự đẫm máu giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi dậy, vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Giao tranh ác liệt tiếp tục nổ ra, cướp đi mạng sống của hàng chục dân thường mỗi ngày.

Các tay súng của Lực lượng Quân đội Syria tự do giao tranh với quân đội Chính phủ Syria ngày 18/8 (Ảnh: AFP)

Trên bình diện quốc tế, những thế lực có nhiều ảnh hưởng nhất đối với cuộc khủng hoảng vẫn bất đồng sâu sắc về cách tiếp cận vấn đề, càng khiến cho hy vọng sớm chấm dứt bạo lực tại quốc gia Trung Đông trở nên mong manh hơn.

Theo kế hoạch, ngày 20/8, Phái bộ giám sát của Liên Hợp Quốc tại Syria sẽ rút khỏi quốc gia Trung Đông, kết thúc sứ mệnh giám sát ngừng bắn kéo dài 4 tháng, nhường chỗ cho một Văn phòng đại diện liên lạc dân sự mới do Liên Hợp Quốc thiết lập.

Vai trò lãnh đạo Văn phòng liên lạc, do tân Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab, ông Lakhdar Brahimi đảm nhiệm. Theo đánh giá của trưởng Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Syria, tướng Babacar Gaye, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế còn chia rẽ về cách tiếp cận cuộc khủng hoảng, sự ra đời của Văn phòng liên lạc nhằm thay thế Phái bộ giám sát, là một bước đi tích cực, thể hiện sự cam kết của Liên Hợp Quốc về việc tiếp tục nỗ lực chấm dứt bạo lực tại quốc gia Trung Đông.

Tuy nhiên, với nhiều nhà phân tích, sự ra đời của Văn phòng liên lạc dân sự chỉ là giải pháp tình thế của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thậm chí là một bước thụt lùi đáng thất vọng trong nỗ lực vãn hồi hoà bình. Bởi lẽ, đến thời điểm này, Hội đồng bảo an vẫn chưa xác định được quy mô và vai trò cụ thể của Văn phòng liên lạc mới. Thế nên, niềm tin vào khả năng thành công của Văn phòng liên lạc cũng như sứ mệnh của tân Đặc phái viên Lakhdar Brahimi, không phải là điều được nhiều người kỳ vọng, trong đó có lực lượng đối lập tại Syria.

Nhà hoạt động đối lập Syria Haitham al-Maleh, một trong những người sáng lập Hội đồng vì Cách mạng Syria nhận định: “Chắc chắn sẽ không có thêm bất kỳ tiến triển nào trong thời gian tới. Sứ mệnh của Đặc phái viên Lakhdar Brahimi hay bất kỳ kế hoạch nào trong bối cảnh hiện nay đều sẽ thất bại”.

Trên một bình diện khác, những thế lực được đánh giá là có nhiều ảnh hưởng đối với nỗ lực chấm dứt chiến sự ở Syria, vẫn chia rẽ sâu sắc về cách tiếp cận cuộc khủng hoảng. Mới đây, các quan chức của Mỹ và Thổ Nhỹ Kỳ, quốc gia láng giềng quan trọng của Syria, đã họp bàn việc áp đặt vùng cấm bay tại Syria, bước khởi đầu của các biện pháp can thiệp vào Syria. Ngay lập tức, đồng thái này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga và Iran, hai trong số các nước luôn kiên định lập trường phản đối mọi sự áp đặt và can thiệp từ bên ngoài vào Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ: “Vấn đề vùng an ninh và vùng cấm bay đã từng được đề cập. Nếu những vùng cấm bay hay vùng an ninh này được áp đặt, sẽ không chỉ là một sự xâm phạm đối với chủ quyền lãnh thổ của Syria, mà còn là sự vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc”.    

Trong khi đó, tại Syria, các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy tiếp tục diễn ra tại nhiều khu vực, trong đó có thủ đô Damascus và thành phố chiến lược Aleppo, cướp đi mạng sống của nhiều dân thường vô tội. Tiềm lực của quân đội Syria được đánh giá là còn rất mạnh, trong khi lực lượng nổi dậy cũng liên tiếp nhận được được sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Bên cạnh đó, hai bên cũng liên tiếp đưa ra những tuyên bố đầy quyết tâm về việc tiếp tục theo đuổi và đẩy mạnh cuộc chiến, khiến người ta không khỏi lo ngại về mạng sống của những người vô tội đang kẹt giữa hai làn đạn.

Cầu nguyện cho sự bình an của những người dân Syria đang là câu nói được người ta nhắc đến nhiều nhất trong dịp lễ Eid Al Fitr kết thúc tháng lễ Ramadan của cộng đồng người Hồi giáo trên khắp thế giới những ngày này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên