Bão Haiyan “bao phủ” COP 19
VOV.VN - HNCC lần thứ 19 các nước tham gia Công ước khung về chống biến đổi khí hậu của LHQ đã khai mạc ngày 11/11 tại Warsaw, Ba Lan.
Hậu quả nặng nề mà siêu bão Hải Yến gây ra cho Philippines và những nước nó đi qua đã phủ một bóng đen lên Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 19 của các nước tham gia Công ước khung về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP19), khai mạc ngày 11/11 tại Warsaw, Ba Lan. Cơn bão một lần nữa là hồi chuông báo động cho cả thế giới về những thảm kịch mà biến đổi khí hậu có thể gây ra đối với nhân loại.
Các đại biểu tham dự khai mạc Hội nghị COP 19 tưởng niệm các nạn nhân bão Haiyan ở Philippines (Ảnh: Getty) |
Liên Hợp Quốc cảnh báo, do tình trạng trái đất ấm lên mà đến năm 2100, những cơn bão ở Đông Nam Á và một số khu vực khác trên thế giới có thể mạnh hơn siêu bão cấp 17 vừa quét qua Philippines.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Môi trường nước chủ nhà Marcin Korolec nhấn mạnh, biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của toàn cầu, mà cũng chính là cơ hội cho toàn nhân loại, khi con người biết tăng cường đoàn kết để ngăn chặn tình trạng này.
“Chỉ 2 ngày trước, một siêu bão đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng ở Philippines, khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. Đó là một thảm kịch nhân đạo không thể nào quên, là nỗi đau và cũng là lời cảnh tỉnh. Bởi nó là bằng chứng rằng, chúng ta đang thua trong cuộc chiến không cân sức giữa con người và thiên nhiên, rằng điều này sẽ tái diễn khủng khiếp hơn nếu chúng ta không đoàn kết chiến đấu chống lại nó”, Bộ trưởng Marcin Korolec nhấn mạnh.
Phát biểu trước toàn thể hội nghị quy tụ quan chức từ gần 200 nước trên thế giới, đại biểu Philippines Yeb Sano kêu gọi các nước biến những mục tiêu đặt ra tại Warsaw lần này trở thành hiện thực, để đây trở thành cột mốc minh chứng rằng, loài người thật sự quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và chấm dứt những cơn thịnh nộ của thiên nhiên như những gì bão Haiyan đã gây ra. Lời kêu gọi đó đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của toàn thể hội nghị.
Trong 12 ngày làm việc (từ 11 đến 22/11), Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu sẽ thảo luận thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu để thay thế cho nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020.
Hội nghị tại Warsaw lần này cũng hy vọng có thể thúc đẩy các nước phát triển tăng cường viện trợ cho các nước đang phát triển, theo đúng cam kết trước đó là cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước này ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, gấp 10 lần so với giai đoạn 2010-2012.
Nhà đàm phán biến đổi khí hậu Mỹ Trigg Talley cho biết: “Nước Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài, tham vọng và hiệu quả khi chúng ta có thể vạch ra lộ trình chuyển đổi cơ bản trong lĩnh vực năng lượng và sử dụng đất trong những thập kỷ tới, nhằm giải quyết được những thách thức của biến đổi khí hậu. Chúng tôi tìm kiếm một thỏa thuận có sự tham gia của các bên với những hoàn cảnh quốc gia khác nhau và thỏa thuận đó phải khích lệ các bên tiếp tục nỗ lực, bất chấp thử thách của thời gian và xoay chuyển được tình thế”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những tiến bộ trong đàm phán chống biến đổi khí hậu, nếu có, sẽ ở mức rất khiêm tốn vì những tham vọng phục hồi kinh tế thế giới sau thời kỳ khủng hoảng vừa qua bất chấp những cảnh báo ngày càng quyết liệt của giới khoa học. Từ năm 2009 tới nay, ngày càng có nhiều cảnh báo của các nhà hoa học, đặc biệt là các báo cáo cho rằng, biến đổi khí hậu phần lớn là do con người gây ra.
Tháng 9 vừa qua, Ủy ban các nhà khoa học nghiên cứu khí hậu của Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo, nâng khả năng biến đổi khí hậu do con người gây ra từ 90% lên 95%, đồng thời cảnh báo, các nước trên thế giới cần phải cắt giảm lượng khí thải một cách bền vững./.