Bạo lực gia tăng sau thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban
VOV.VN - Hơn 2 tháng trôi qua kể từ ngày ký Thỏa thuận Mỹ- Taliban, Afghanistan vẫn chưa có hòa bình, thậm chí bạo lực có xu hướng gia tăng.
Trong bối cảnh như vậy, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Taliban Zalmay Khalilzad đã tức tốc lên đường tới tìm gặp Taliban và các quốc gia có tầm ảnh hưởng để hạ nhiệt tình hình, cũng như đảm bảo chắc chắn các bên Afghanistan sẽ thực thi thỏa thuận.
Các tay súng Taliban tại Afghanistan. (Nguồn: Menafn). |
Hôm qua (6/5), Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad đã tới thủ đô Doha của Qatar nhằm thúc giục lực lượng Taliban tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận với Mỹ nhằm chấm dứt 18 năm xung đột tại Afghanistan.
Dự kiến, vị quan chức Mỹ này cũng sẽ tới Ấn Độ và Pakistan, thảo luận với giới chức sở tại về vai trò của hai nước này trong việc giải quyết cuộc xung đột Afghanistan.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, trong chuyến công du này, Đặc phái viên Mỹ sẽ kêu gọi các nước ủng hộ nhằm giảm bạo lực, đẩy nhanh các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan cũng như xúc tiến hợp tác giữa các bên hỗ trợ chính quyền Kabul đối phó với đại dịch Covid-19.
Chuyến công du của ông Zalmay Khalilzad diễn ra trong bối cảnh xung đột đang có dấu hiệu lại khi Chính phủ Afghanistan và Taliban bất đồng về một số vấn đề gây cản trở hai bên khởi động hòa đàm. Taliban đã bác bỏ mọi lời kêu gọi ngừng bắn trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Theo 1 báo cáo thống kê, chỉ trong 45 ngày sau khi Mỹ - Taliban ký kết thỏa thuận (kể từ ngày 1/3 đến ngày 15/4), Taliban đã tiến hành tới 4.500 vụ tấn công khác nhau.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã phải tuyên bố, Taliban đã không thực hiện cam kết của mình theo thỏa thuận đã ký năm nay, đồng thời cũng kêu gọi chính phủ Afghanistan cần phải hợp tác để thúc đẩy các cuộc đối thoại hòa bình với Taliban.
Ông Mark Esper nhấn mạnh:“Tôi nghĩ điều đúng đắn để Taliban làm hiện giờ đó là tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận đã ký, giảm tình trạng bạo lực, tham gia đối thoại hòa bình với chính phủ Afghanistan. Trong khi đó các lực lượng chính trị tại Afghanistan cũng phải sớm giải quyết các bất đồng, thành lập nhóm đàm phán để đối thoại với Taliban. Đó là những bước đi đúng đắn”.
400 tay súng khủng bố từ Afghanistan có thể sắp tràn vào Ấn Độ
Trong khi, người phát ngôn của Lực lượng Mỹ tại Afghanistan Sonny Leggett cũng cảnh báo, những cuộc tấn công tiếp theo của Taliban có thể sẽ phải đối mặt với những “phản ứng” từ phía Mỹ. Do đó, tất cả các bên phải “trở lại tiến trình đàm phán” và người Afghanistan nên bắt đầu cùng nhau trao đổi về tương lai của Afghanistan.
Đáp lại, người phát ngôn của Taliban cảnh báo, Mỹ không được làm xấu thêm tình hình hiện nay bằng những tuyên bố vô nghĩa và khiêu khích. Taliban cũng cáo buộc, Mỹ đã không thúc đẩy Chính phủ Afghanistan thực hiện trao đổi tù nhân như những gì mà lực lượng này và Mỹ đã thống nhất trong thỏa thuận hòa bình được ký ở Doha.
Theo như thỏa thuận hòa bình được ký ngày 29/2, Taliban đã cam kết chấm dứt các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ và các đối tác nước ngoài. Đổi lại, Mỹ và quân đội các nước khác cũng cam kết rút khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng kể từ khi thỏa thuận được ký kết. Hiện, thỏa thuận này cũng đang khiến Ấn Độ lo ngại về nguy cơ Taliban có thể quay trở lại nắm quyền tại quốc gia Tây Nam Á này, trong khi Pakistan cũng là 1 quốc gia có tầm ảnh hưởng với Taliban./.