Báo Pháp viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
VOV.VN - “Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ sống mãi trong lịch sử như là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của thế kỷ 20”.
Chiều 4/10 (giờ Pháp), tờ “Thế giới”- một trong những tờ báo hàng đầu tại Pháp đã có bài viết lớn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài báo khẳng định “Đại tướng sẽ sống mãi trong lịch sử như là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của thế kỷ 20”.
Bài báo viết về Tướng Giáp trên tờ Le Monde ngày 4/10 (Ảnh chụp từ trang web) |
Với tựa đề giản dị “Tướng Giáp, Anh hùng độc lập Việt Nam, đã qua đời”, bài báo khẳng định “nhà lãnh đạo này có những phẩm chất đặc biệt: quyền uy cá nhân, thiên tài tổ chức quân sự, nhà chiến lược vô đối”, đã đóng góp quyết định vào Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954 và chiến thắng 30/4/1975. Và theo bài báo, “những thành công đó, không thể phủ nhận, đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng vào hàng ngũ những nhà quân sự kiệt xuất của Việt Nam. Về phần mình, tướng Giáp đã góp công lớn vào việc làm thất bại sự quay trở lại Việt Nam của người Pháp và trong diễn biến cao điểm của Chiến tranh lạnh, đã bẻ gãy sự thế chân (người Pháp) mà người Mỹ muốn tạo dựng”.
Báo “Thế giới” viết lại những chặng đường cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ khi ông được sinh ra ngày 25/8/1911 tại một ngôi làng ở miền Trung Việt Nam, “ông đã sống thời trẻ trong bầu không khí của chủ nghĩa dân tộc: đấu tranh với chính quyền bảo hộ Pháp và phải ngồi tù 2 năm, từ 1930 đến 1932. Ông lấy bằng Tú tài Pháp vào năm 1934 rồi giảng dạy lịch sử và tiếng Pháp ở trường Thăng Long, Hà Nội, cái lò luyện những người tranh đấu chống chủ nghĩa thực dân. Năm 1937, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngay từ khi đó, con đường của ông đã được vạch ra. Tháng 5/1940, đi cùng với Phạm Văn Đồng, vị Thủ tướng tương lai (1954-1986), ông Giáp sang Trung Quốc và lần đầu tiên gặp Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930”.
Giống như nhiều báo chí Phương Tây, tờ “Thế giới” một lần nữa so sánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Napoleon và phân tích chiến lược quân sự tài ba của vị Đại tướng Việt Nam, nghệ thuật sử dụng trận địa, việc phải dựa lựng vào dãy Trường Sơn, việc phải đảm bảo hậu phương và việc thu hút đối phương vào bẫy.
Trong bài báo, tác giả Jean-Claude Pomonti cũng thuật lại câu chuyện từng được nghe chính Đại tướng kể lại về trận đánh Điện Biên Phủ, rằng “vị chỉ huy trong nhóm cố vấn Trung Quốc của chúng tôi muốn có một cuộc tấn công chớp nhoáng” vào cứ điểm của quân Pháp đặt trên một cao nguyên hẹp trên đất Lào. Cuộc tấn công được ấn định vào ngày 25/1/1954, vào lúc 17h, tức trước khi đêm xuống. Đến phút cuối cùng, Tướng Giáp quyết định lùi lại 24 tiếng. Sau đó, “ông hạ lệnh rút toàn bộ quân, kể cả lực lượng pháo binh”. “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời Tổng tư lệnh của tôi”.
Tại sao? “Để tấn công, tôi đã chờ để nghe trên đài phát thanh tướng Navarre tuyên bố rằng cơn thủy triều Việt Minh đã đứng…” - ông giải thích. Navarre khi đó là Chỉ huy đội quân viễn chinh của Pháp tại Đông Dương và chính là người đã quyết định lập cứ điểm (Điện Biên Phủ) nằm gần biên giới Việt - Lào để thu hút các sư đoàn Việt Minh. “Triều đứng”, ông Giáp cười nhắc lại. “Và tôi chuyển sang hành động”. Ngày 23. Chưa đến 2 tháng sau, hầm của tướng De Castries, chỉ huy cứ điểm, bị đánh chiếm vào ngày 7/5”.
Bài báo cũng khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp có được sự tin tưởng tuyệt đối của cấp dưới, những người trong hàng ngũ quân đội Việt Minh đã chiến đấu không chút dao động và cùng ông làm nên chiến thắng.
Theo bài báo, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chứng tỏ mình là một thiên tài về tổ chức” và kể lại câu chuyện được chính Đại tướng thuật lại rằng "nơi mà một con dê qua được, thì một người sẽ qua được. Nơi một người qua được, một tiểu đoàn sẽ qua được. Ở Điện Biên Phủ, để vận chuyển được 1 kg gạo cho một binh sĩ ở trận địa, cần phải tiêu thụ đến 4 kg trên đường vận chuyển. Chúng tôi đã sử dụng 260.000 người vận chuyển, hơn 20.000 xe đạp, 11.000 bè, 400 xe tải và 500 con ngựa”. Dưới sự che chở của rừng rậm, những khẩu pháo của Việt Minh đã được tháo rời, vận chuyển lên các ngọn đồi dốc quanh các cứ điểm, rồi được lắp ráp lại.
Và thành tựu đáng kinh ngạc nhất trong việc tổ chức, báo “Thế giới” nhận định, là “việc mở ra, trong những năm 60, “đường mòn Hồ Chí Minh”, một mớ bòng bong khổng lồ những con đường mòn ẩn giấu trong rừng rậm và những đường hầm trải dài từ Bắc xuống Nam, nhằm vòng tránh sự bố trí lực lượng phòng thủ của Mỹ ở miền Nam. “Một con đường độc đạo”, theo cách nói của bộ đội ngoài Bắc. Nhưng người Mỹ đã không bao giờ chặt đứt được con đường tiếp tế này - gồm người, đạn dược, thiết bị, xe tăng, xe bọc thép - kể cả khi đã dùng đến những trận dội bom dồn dập, thuốc diệt cây cỏ, thả hàng trăm nghìn quả mìn và bẫy người”.
Kết thúc bài viết, tác giả Jean-Claude Pomonti khẳng định công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát hiện ra tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ rất sớm. Bài báo viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một phản xạ thiên tài. Khi đến gặp ông vào tháng 6/1940 ở miền Nam Trung Quốc, ông Giáp mới 29 tuổi và chưa hề qua một khóa đào tạo nào về quân sự. Làm thế nào mà nhà cách mạng già dặn - Bác Hồ khi đó đã 50 tuổi - có thể đoán được rằng chiến sĩ trẻ này có tài năng của một vị tướng lớn? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao cho ông thành lập lực lượng tự vệ, rồi thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. Từ năm 1948, ông đã phong ông Giáp là Đại tướng, cấp bậc mà ông Giáp vẫn mang theo trong ngày ông qua đời”./.