Bất chấp bị cô lập, Nga khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với EU
VOV.VN - Mối quan hệ giữa EU và Nga thời gian gần đây bắt đầu có dấu hiệu tan băng, với việc Tổng thống Nga thăm Áo và Tổng thống Pháp thăm Nga.
Tổng thống Nga Putin hôm 5/6 kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với các nước Liên minh châu Âu.
(Ảnh minh họa của Daily Express)
Tuyên bố của Tổng thống Nga đưa ra trong bối cảnh có thêm nhiều quốc gia EU lên tiếng kêu gọi cải thiện quan hệ với Nga, sau khi mối quan hệ giữa hai bên đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phát biểu khi đang ở thăm Áo, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt áp đặt vì những lý do chính trị không thể giải quyết được những vấn đề chính trị. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, nước này đã vượt qua những khó khăn do tác động của các biện pháp trừng phạt, đồng thời hối thúc các nước EU sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Ông Putin nói: “Tất cả các hành động trừng phạt làm tổn hại đến tất cả các bên, từ những nước áp đặt đến những nước bị áp đặt. Do đó, tôi nghĩ rằng dỡ bỏ trừng phạt là điều tất cả các bên đều mong muốn”.
Trả lời phỏng vấn truyền thông trước đó, Tổng thống Putin cũng khẳng định mong muốn có mối quan hệ tốt và tích cực với phương Tây.
Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine từ tháng 3/2014 và các biện pháp trừng phạt thường xuyên được gia hạn 6 tháng/lần. Thực tế cho thấy, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga cũng không mấy hiệu quả, khi nước Nga dần dần vượt qua các khó khăn kinh tế, trong khi chính một số nước EU lại phải điêu đứng vì các biện pháp trừng phạt đáp trả của Nga. Các biện pháp trừng phạt cũng là một rào cản sự hợp tác giữa Nga và EU thời gian qua để giải quyết một loạt các vấn đề nóng quốc tế.
Mặc dù vậy, có thể thấy mối quan hệ giữa EU và Nga thời gian gần đây cũng có dấu hiệu tan băng, với chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Nga vào tháng trước và chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Áo trong tuần này – chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới Tây Âu trong một năm qua. Đặc biệt, ngày càng có thêm nhiều quốc gia EU lên tiếng ủng hộ cải thiện quan hệ với Nga.
Tổng thống Nga trả lời báo chí Trung Quốc về Triều Tiên và phương Tây
Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định: “Chúng tôi sẽ ủng hộ việc mở cửa mối quan hệ với Nga – Quốc gia đã thể hiện rõ vai trò của mình trong các cuộc khủng hoảng địa chính trị khác nhau thời gian qua. Italy sẽ thúc đẩy việc xem xét lại hệ thống trừng phạt của mình với Nga”.
Mới nhất, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hôm 5/6 cho biết, nước này muốn là một cây cầu nối giữa Nga và phương Tây. Còn Đức, quốc gia đầu tàu EU gần đây cũng nêu quan điểm ủng hộ việc nới lỏng trừng phạt Nga.
Có thể nói, các nước EU đang rơi vào “thế khó” với lập trường tuyên bố bấy lâu nay “sẽ không dỡ bỏ trừng phạt Nga cho đến khi tình hình tại phía đông Ukraine được cải thiện”. Vì vậy, bất chấp việc nhiều thành viên trong khối muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nhưng các nước vẫn phải khẳng định cần tuân theo “khuôn khổ” của EU trong chính sách với Nga.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng Ukraine, mối quan hệ giữa Nga và EU cũng nổi sóng thời gian gần đây liên quan đến cuộc chiến tại Syria, việc cáo buộc Nga bắn hạ máy bay MH17 tại Ukraine, hay vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh, cũng tạo nên những rào cản cho việc cải thiện mối quan hệ Nga-EU.
Tuy vậy, thiện chí mong muốn cải thiện quan hệ của Nga, cùng nỗ lực của một số quốc gia thành viên EU sẽ giúp mở ra những cơ hội mới, chấm dứt thế đối đầu vốn hoàn toàn không mang lại lợi ích cho bên nào giữa Nga và EU, trong thời gian tới./.