Bất chấp Mỹ dọa dẫm, Trung Quốc thông qua luật về an ninh Hong Kong
VOV.VN - Các nhà lập pháp Trung Quốc đã thông qua dự luật mới về an ninh quốc gia ở Hong Kong, bất chấp Tổng thống Trump đe dọa sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Dự thảo luật về an ninh Hong Kong đã được Quốc hội Trung Quốc thông qua với tỷ lệ 2.878 phiếu thuận và 1 phiếu chống ngày 28/5 tại kỳ họp thường niên ở Bắc Kinh, trong đó có 6 người vắng mặt. Các nhà chức trách Trung Quốc có thể phải mất vài tháng để đưa ra các thông tin chi tiết trong dự luật này với nội dung cấm các hoạt động âm mưu lật đổ chính quyền, đòi ly khai, khủng bố và can thiệp bên ngoài, trước khi đạo luật được chính quyền Hong Kong thông báo chính thức.
Hôm 26/5, khi được hỏi về khả năng thực hiện các lệnh trừng phạt, Tổng thống Trump cho biết chính quyền Mỹ "đang làm điều gì đó ngay lúc này" nhưng ông vẫn chưa tiết lộ điều đó là gì.Chính quyền Tổng thống Trump hôm 27/5 đã có bước đi mạnh mẽ khi tuyên bố rằng Đặc khu hành chính Hong Kong không còn là khu tự trị nữa. Động thái này có thể khiến Mỹ thực hiện một loạt hành động, từ trừng phạt các quan chức Trung Quốc cho tới hủy bỏ quy chế trao đổi thương mại đặc biệt của thành phố này với Mỹ.
"Hong Kong sẽ không còn tiếp tục hưởng sự đối đãi theo các đạo luật mà Mỹ từng áp dụng với Hong Kong trước tháng 7/1997 nữa", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết.
Kế hoạch ban hành luật an ninh quốc gia trên lần đầu tiên được thông báo tại Bắc Kinh vào cuối tuần trước khi các quan chức Trung Quốc cho rằng đạo luật này là cần thiết để ngăn chặn các vụ biểu tình "có phần bạo lực" ở thành phố này vào năm ngoái. Phía chính quyền Trung ương Trung Quốc cũng cho biết các nhà lập pháp Hong Kong có 23 năm để thông qua dự luật trên, vốn được coi là bắt buộc theo hệ thống hiến pháp thu nhỏ của Hong Kong gọi là Luật Cơ bản.
"Tất cả quyền lợi và sự tự do mà nhân dân Hong Kong và các nhà đầu tư quốc tế đang hưởng sẽ không thay đổi", chính quyền Hong Kong cho biết trong một tuyên bố ngày 27/5. Các nhà chức trách ở đặc khu hành chính này cũng cho biết đạo luật trên sẽ không phá hủy quy tắc luật pháp, bộ máy tư pháp độc lập và quyền tự do ngôn luận tại đây./.