Bất chấp quan hệ lạnh nhạt, Nga vẫn muốn ông Trump thắng cử năm 2020

VOV.VN - Bất chấp những bước lùi trong quan hệ Nga - Mỹ, Tổng thống Trump vẫn là ứng viên ưa thích mà điện Kremlin hy vọng sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới.

Quan hệ Nga – Mỹ lạnh nhạt

Nga đã đặt nhiều hy vọng vào ông Trump khi ông đắc cử năm 2016 giữa lúc mối quan hệ giữa nước này với phương Tây lao dốc nhanh chóng dưới thời Tổng thống Barack Obama. Thậm chí, cơ quan tình báo Mỹ còn cáo buộc Nga đã hỗ trợ chiến dịch của Tổng thống Trump bằng cách tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào đảng Dân chủ.

Hôm 21/10, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ đã cáo buộc Nga và Iran đã có được thông tin của các cử tri và tiến hành các động thái gây ảnh hưởng đến lập trường của công chúng trong cuộc bầu cử vào tháng tới. Dù vậy, điện Kremlin đã phủ nhận các cáo buộc trên, đồng thời gọi những cáo buộc này là "hoàn toàn vô căn cứ".

Tại Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin ở Helsinki năm 2018, Tổng thống Trump đã phủ nhận việc Nga can thiệp bầu cử, đồng thời nhận định: "Tôi thấy họ chẳng có lý do gì để làm vậy cả".

Tuy nhiên, theo nhà quan sát Maria Lipman thuộc trung tâm nghiên cứu Ponars Eurasia, mặc dù không giữ thái độ gay gắt nhưng Tổng thống Trump vẫn không thể phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ Nga - Mỹ.

Không chỉ câu hỏi về việc Nga can thiệp bầu cử luôn phủ bóng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump mà mối quan hệ Washington - Moscow cũng ngày cảng gia tăng bất đồng trong nhiều vấn đề toàn cầu.

Mỹ đã tăng cường triển khai quân đội tại Syria sau những căng thẳng với Nga, đồng minh quan trọng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Washington cũng rút khỏi 2 thỏa thuận quốc tế quan trọng là thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp ước Bầu trời Mở, cũng như rút khỏi thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga là Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF).

Ngoài ra, Mỹ còn áp các lệnh trừng phạt lên các công ty có liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), một dự án chung giữa Nga và Đức, đồng thời thúc đẩy các lệnh trừng phạt nhằm vào các đồng minh của Moscow như Venezuela và Belarus.

Vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal năm 2018 ở Anh cũng khiến Nga và Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao của nhau ở quy mô lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Nga muốn ông Trump tiếp tục trở thành Tổng thống

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Helsinki, Tổng thống Putin đã thừa nhận ông "muốn" ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.

Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Russia TV đầu tháng 10, ông Putin đã phàn nàn rằng, kể từ khi ông Trump làm Tổng thống, Nga đã trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt 46 lần. Động thái này bao gồm việc áp các lệnh trừng phạt mới hoặc mở rộng các biện pháp trừng phạt đã tồn tại từ trước.

"Các bạn phải nhìn nhận những điều này một cách khách quan. Những ý định mà Tổng thống Trump nói ban đầu vẫn chưa trở thành sự thật".

Tuy vậy, các nhà phân tích cảnh báo Nga thậm chí có thể phải đối mặt với lập trường cứng rắn hơn nếu ông Biden trở thành Tổng thống.

"Với lập trường thường thấy của đảng Dân chủ, việc họ yêu cầu các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn là điều dễ hiểu", chuyên gia Alexander Baunov thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow đánh giá.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Nga có thể đã chuẩn bị sẵn sàng cho một kịch bản ông Biden giành chiến thắng. Nhà phân tích Alexander Shumilin thuộc Học viện Khoa học Nga cho rằng: "Họ (Nga-ND) đã nhận thấy trong các cuộc thăm dò dư luận, ông Biden có kết quả tốt hơn".

Theo nhà quan sát này, Tổng thống Trump vẫn là một ứng viên được ưa thích hơn của điện Kremlin với vai trò Tổng thống bởi nhà lãnh đạo này "không tăng cường các lệnh trừng phạt và thậm chí còn giảm nhẹ chúng".

Nga đắc lợi hậu bầu cử Mỹ?

Dù vậy, ông Trump không phải nhân tố duy nhất quyết định mọi việc. Hạ viện Mỹ - nơi đảng Dân chủ chiếm đa số, có thể sẽ "gây khó dễ" cho điện Kremlin bằng cách áp thêm các lệnh trừng phạt. Cuối cùng, "dù ông Trump hay ông Biden giành chiến thắng, tôi không cho rằng họ sẽ có quan điểm tích cực về Nga", nhà quan sát Lipman cho hay.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình RTVI đánh giá: "Chúng tôi nhận ra rằng sẽ không có sự thay đổi lớn nào trong mối quan hệ hiện nay dù đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa giành chiến thắng".

Moscow có thể "đắc lợi" từ cuộc khủng hoảng chính trị tại Mỹ, chẳng hạn như việc ông Trump từ chối chấp nhận kết quả bầu cử.

Viễn cảnh này cũng từng được ông Lavrov đề cập đến: "Chúng tôi không muốn chứng kiến một cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ rơi vào khủng hoảng nếu những bất ổn gia tăng trong bối cảnh biểu tình bạo lực và tình trạng phân biệt sắc tộc diễn ra như hiện nay".

Dù vậy, với nhà phân tích Lipman, "sự hỗn loạn hậu bầu cử" có ý nghĩa lớn với điện Kremlin: 'Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề của mình chứ không phải Nga. Moscow sẽ tận dụng điều này"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga muốn Donald Trump hay Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ?
Nga muốn Donald Trump hay Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ?

VOV.VN - Một số chuyên gia dự đoán mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ vẫn “ảm đạm” cho dù ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới.

Nga muốn Donald Trump hay Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ?

Nga muốn Donald Trump hay Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ?

VOV.VN - Một số chuyên gia dự đoán mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ vẫn “ảm đạm” cho dù ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới.

Lý do Nga tích cực củng cố vai trò hòa giải xung đột biên giới Trung-Ấn
Lý do Nga tích cực củng cố vai trò hòa giải xung đột biên giới Trung-Ấn

VOV.VN - Tổng thống Vladimir Putin có một tầm nhìn về cộng đồng các quốc gia “Á-Âu rộng lớn hơn” do Nga dẫn đầu – và để điều này trở thành hiện thực, Moscow cần “chơi” với cả Bắc Kinh và New Delhi. 

Lý do Nga tích cực củng cố vai trò hòa giải xung đột biên giới Trung-Ấn

Lý do Nga tích cực củng cố vai trò hòa giải xung đột biên giới Trung-Ấn

VOV.VN - Tổng thống Vladimir Putin có một tầm nhìn về cộng đồng các quốc gia “Á-Âu rộng lớn hơn” do Nga dẫn đầu – và để điều này trở thành hiện thực, Moscow cần “chơi” với cả Bắc Kinh và New Delhi. 

Những cử tri còn lưỡng lự có ngả về ông Trump như 4 năm trước?
Những cử tri còn lưỡng lự có ngả về ông Trump như 4 năm trước?

VOV.VN - Những cử tri chưa quyết định chọn ai trước khi bầu cử diễn ra đã giúp ông Trump thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, liệu điều này có xảy ra lần thứ hai?

Những cử tri còn lưỡng lự có ngả về ông Trump như 4 năm trước?

Những cử tri còn lưỡng lự có ngả về ông Trump như 4 năm trước?

VOV.VN - Những cử tri chưa quyết định chọn ai trước khi bầu cử diễn ra đã giúp ông Trump thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, liệu điều này có xảy ra lần thứ hai?