Bất đồng giữa các nghị sỹ Quốc hội khiến Chính phủ Mỹ khó tránh bị đóng cửa
VOV.VN - Bất đồng giữa các nghị sỹ Quốc hội xung quanh vấn đề ngân sách cho năm tài khóa 2024 khiến Chính phủ Mỹ khó tránh bị đóng cửa vào ngày 1/10 tới.
Năm tài khóa 2024 ở Mỹ bắt đầu từ 1/10 và nếu Quốc hội nước này không thông qua được một dự luật ngân sách và được Tổng thống ký duyệt thì Chính phủ sẽ phải đóng cửa do không còn kinh phí hoạt động.
Trong diễn biến mới nhất, Hạ viện Mỹ ngày 29/9 đã bỏ phiếu đối với dự luật cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ cho tới ngày 31/10. Tuy nhiên, với sự phản đối của một nhóm các nghị sỹ Cộng hòa cực hữu, dự luật này đã không được thông qua. Dự luật, theo đề xuất của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, sẽ cắt giảm ngân sách liên bang khoảng 130 tỷ USD với năm tài khóa 2023 đồng thời bao gồm các biện pháp an ninh biên giới chặt chẽ mới và thiết lập một ủy ban tài khóa nhằm cân đối ngân sách và cải thiện triển vọng tài khóa Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi vượt qua được cửa Hạ viện, dự luật này cũng khó có thể được thông qua tại Thượng viện nơi đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ vẫn đang tiếp tục thảo luận một dự luật ngân sách ngắn hạn cho chính phủ tới ngày 17/11 về viện trợ cho Ukraine và cứu trợ thiên tai.
Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ tìm cách thông qua các dự luật ngân sách tạm thời nhằm kéo dài thời gian để nghị sỹ hai đảng tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề liên quan tới cắt giảm ngân sách và viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, với bế tắc hiện nay, chính phủ Mỹ khó có khả năng tránh khỏi bị đóng cửa sau ngày 30/09 do không còn kinh phí hoạt động.
Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần thứ 4 chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong vòng 10 năm qua. Lần gần đây nhất chính phủ Mỹ phải đóng cửa là từ cuối năm 2018 tới đầu năm 2019 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và đây cũng là đợt đóng cửa dài nhất trong vòng 35 ngày.