Bất đồng Pháp- Đức “làm khó” tiến trình bầu chọn Chủ tịch EC
VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh EU đã không thể tìm ra được ứng cử viên tiềm năng cho vị trí người kế nhiệm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
Lãnh đạo 28 nước thành viên đã buộc phải triệu tập một Hội nghị Thượng đỉnh bất thường khác vào ngày 30/6 tới. Những cuộc đàm phán nhằm tìm ra “ngôi sao mới” của Ủy ban châu Âu đã trở nên phức tạp hơn so với dự kiến. Sau nhiều giờ đàm phán, kéo dài từ đêm 20/6 tới rạng sáng 21/6 (giờ Việt Nam), các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước EU vẫn không thể chắc chắn có tìm được sự đồng thuận tại cuộc họp bất thường vào ngày 30/06 tới hay không.
Ảnh minh họa: Reuters. |
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thừa nhận, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về các đề cử ứng cử viên, song không ứng cử viên nào giành được sự ủng hộ của đa số.
“Hội đồng châu Âu đã thảo luận về tất cả các đề cử, trong đó có tính đến các tham vấn và tuyên bố của tôi tại Nghị viện châu Âu. Không có ứng cử viên nào nhận được sự ủng hộ của đa số. Hội đồng châu Âu đã nhất trí rằng cần phải có thêm một cuộc gặp nữa vào ngày 30/06 tới”, ông Donald Tusk nhấn mạnh.
Hội nghị đặc biệt chứng kiến sự bất đồng gay gắt giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo không chỉ về các ứng cử viên tiềm năng, mà cả về những thể thức liên quan tới việc lựa chọn những cái tên sáng giá. Thủ tướng Đức vẫn cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hệ thống Spitzenkandidat, cho phép khối chính trị lớn nhất trong nghị viện có quyền chọn người thay thế Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Đây là điều mà người Pháp phản đối mạnh mẽ.
Trong khi Thủ tướng Merkel ủng hộ ứng cử viên người Đức Manfred Weber thuộc Đảng Nhân dân châu Âu, nhóm chính trị lớn nhất tại Nghị viện châu Âu, thì Tổng thống Emmanuel Macron lại đang tìm cách ngăn cản ông Weber, với lập luận ông này thiếu kinh nghiệm điều hành.
“Tôi không có gì chống lại ứng cử viên người Đức và tôi cũng đã từng nói rằng, đây không phải là một cuộc chơi. Nếu Thủ tướng Merkel là một ứng cử viên, tôi sẽ ủng hộ vì tôi nghĩ đây là một nhà lãnh đạo có phẩm chất, năng lực và chắc chắn sẽ là một chủ tịch rất tốt của Ủy ban châu Âu. Song đây không phải là mong muốn của Thủ tướng Merkel và tôi tôn trọng điều này”, ông Macron nói.
Cả Pháp và Tây Ban Nha đều thể hiện quan điểm ủng hộ các ứng cử viên tự do và theo xu hướng xã hội chủ nghĩa. Các cuộc đàm phán thậm chí còn chông gai hơn khi Nghị viện châu Âu giờ là cuộc chiến của 4 nhóm chính trị chính, thay vì 2 nhóm như trước đây. Đảng nhân dân châu Âu, Liên minh Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ, đảng Phục Hưng châu Âu và đảng Xanh sẽ phải tìm kiếm được thỏa thuận phân chia 5 vị trí quan trọng của Liên minh châu Âu. Ứng cử viên cuối cùng sẽ phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 21 trong số 28 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng như giành đa số ủng hộ tại Nghị viện châu Âu gồm 751 thành viên. Và đây chắc chắn sẽ là một tiến trình không hề dễ dàng./.