Bất đồng về Syria tại Hội nghị G8 đã được báo trước
(VOV) - Lãnh đạo G8 đang tạo ra khoảng cách lớn khi không đứng trên lập trường vì người dân Syria để giải quyết vấn đề.
Cuộc khủng hoảng Syria là vấn đề được quan tâm đặc biệt tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) khai mạc ngày 17/6 tại Bắc Ireland (Vương quốc Anh). Lãnh đạo Nga, Mỹ và các phương Tây khác đang xúc tiến những cuộc gặp bên lề Hội nghị cho vấn đề này, song những bất đồng sâu sắc là điều đã được báo trước.
Cuộc gặp của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra bên lề Hội nghị G8, bao trùm trong bầu không khí căng thẳng. Những nụ cười gượng gạo, thiếu những cử chỉ thân thiện là điều mà 2 nhà lãnh đạo thể hiện, cho thấy, Nga-vốn ủng hộ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad không dễ dàng gì chấp thuận việc Pháp cùng Anh muốn tăng cường viện trợ cho lực lượng đối lập Syria và ngược lại. Những bất đồng không thể thu hẹp giữa Nga và phương Tây là báo hiệu của sự căng thẳng trong 2 ngày Hội nghị.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga tại cuộc gặp bên lề Hội nghị G8 ngày 17/6 ở Bắc Ireland (Ảnh: RIA) |
Sau cuộc gặp Tổng thống Pháp, Tổng thống Nga sẽ tiếp tục đối mặt với người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Nga-Mỹ trong năm nay. Sau khi nỗ lực chung Nga-Mỹ không đạt được kết quả trong việc tổ chức Hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva (Thụy sĩ), 2 nước đang trở lại những thái cực đối lập.
Tuyên bố từ Moscow ngày 17/6 khẳng định Nga sẽ không cho phép thiết lập vùng cấm bay tại Syria. Đồng thời cho rằng, việc Mỹ chuẩn bị quân sự tại Jordan liên quan đến thiết lập vùng cấm bay là vi phạm luật pháp quốc tế. Giới chuyên gia nhìn nhận rằng, sẽ là “thần kỳ” nếu chỉ trong 24 đến 36 giờ tới Hội nghị G8 đi đến một giải pháp cho tình hình Syria.
Ông Patrik Corrigan, người đứng đầu Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Bắc Ireland nói: “Sự đối đầu của G8 trong vấn đề Syria đã tới cực điểm và các bên đều tỏ thái độ cứng rắn. Tôi cho rằng, các nhà lãnh đạo G8 cần đứng trên lập trường vì người dân Syria để giải quyết vấn đề. Nhưng điều này là rất mơ hồ và các nhà lãnh đạo G8 đang tạo ra khoảng cách ngày càng xa hơn”.
Trong khi đó, quân đội của Tổng thống al-Assad với hỗ trợ của lực lượng nổi dậy Hezbollah tại Lebanon, đang giành lợi thế tại Syria. Trước những tuyên bố của Mỹ, Anh và Pháp về hỗ trợ quân sự cho phe đối lập và thiết lập vùng cấm bay, ông Assad không ngần ngại cảnh báo một “giá đắt” phải trả là đưa chủ nghĩa khủng bố tới châu Âu.
Khi G8 còn đang tranh cãi, thì các nước láng giềng Syria đang ở trong tình thế đứng ngồi không yên nếu một kịch bản Libya lặp lại tại Syria, cùng con số thương vong gấp nhiều lần, với ít nhất 93.000 người đã thiệt mạng.
Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki trong cuộc gặp ngày 17/6 với Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton đã cảnh báo, hậu quả của can thiệp quân sự vào Syria sẽ là hủy diệt quốc gia Trung Đông này và gây bất ổn cả khu vực. Ông Maliki khẳng định lập trường của Iraq và kêu gọi giải pháp chính trị dựa trên đối thoại, tin tưởng và không can thiệp vào tình hình Syria.
Tổng thống đắc cử Iran Hassan Rowhani cùng ngày cũng thúc giục chấm dứt mọi can thiệp nước ngoài vào Syria. Người dân Syria phải tự giải quyết vấn đề của họ và các nước khác nên hợp tác vì hòa bình của Syria và thế giới Arab./.