Bầu cử Pháp: Hai ứng viên – hai tầm nhìn và phép thử với Liên minh châu Âu
VOV.VN - “Hai ứng cử viên - hai tầm nhìn” là nội dung chính được đăng tải trên nhiều tờ báo và hãng truyền thông lớn của Mỹ và châu Âu khi chỉ còn chưa đầy 1 ngày nữa cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 tại Pháp chính thức bắt đầu.
Là cuộc đua giữa hai ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron thuộc đảng Nền Cộng hòa tiến bước và bà Marine Le Pen thuộc đảng Tập hợp quốc gia theo đường lối cực hữu, đây cũng được xem là phép thử lớn đối với Liên minh châu Âu. Pháp, cùng với Đức nằm trong số những nước sáng lập và cũng là một trụ cột của Liên minh châu Âu.
Nếu như ông Macron dường như có cơ hội tái đắc cử Tổng thống Pháp tốt nhất trong nhiều năm, thì ứng cử viên đối thủ Le Pen cũng đang đấu tranh cho tương lai chính trị của mình. Bởi một thất bại lần thứ 3 cũng đồng nghĩa với một cuộc cải tổ sâu rộng trong đảng Tập hợp quốc gia. Kết quả thăm dò của Politico cho thấy, đương kim Tổng thống có thể giành được khoảng 55% phiếu ủng hộ so với tỷ lệ 45% của bà Le Pen, một kết quả gần như tương đồng với năm 2017.
Tuy nhiên, Politico cũng đưa ra kịch bản về một chiến thắng của bà Le Pen trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Brussels, với hành trang là tham vọng cải cách Ủy ban châu Âu và quyết định giảm ngay lập tức khoản đóng góp 5 tỷ euro mỗi năm cho ngân sách khối. Ứng cử viên đảng Tập hợp quốc gia cũng thúc đẩy cách tiếp cận “nước Pháp trên hết” khi ưu tiên người dân Pháp trong tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ công, cũng như bỏ qua Hiệp ước Schengen cho phép lưu thông tự do hàng hóa và con người,...
Theo nhà phân tích Eric Maurice tại Quỹ Robert Schuman Foundation, với đường lối thân Liên minh châu Âu, ông Macron vẫn luôn là ứng cử viên ưa thích của Brussels. Bởi một chiến thắng của bà Le Pen sẽ không khác gì một cú sốc đối với Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí sẽ còn nghiêm trọng hơn trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và mối quan hệ của bà Le Pen với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Pháp là cường quốc quân sự đáng kể duy nhất trong EU, giữ ghế thường trực duy nhất của liên minh trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là thành viên EU duy nhất là một cường quốc hạt nhân:
“Đối với EU, ông Macron vẫn là lựa chọn ưu tiên bởi chiến thắng của ông ấy sẽ giúp đảm bảo tính liên tục của các lập trường ủng hộ châu Âu. Trong khi đó, bà Le Pen lại không hề che giấu quan điểm hoài nghi về các nghĩa vụ và cam kết của Pháp trong EU và do đó khả năng về một chiến thắng của bà Le Pen sẽ là vấn đề chính trị rất lớn với châu Âu”.
Hãng tin CNN đã đưa ra đánh giá những tác động của cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 tại Pháp đối với thị trường, mà theo dự báo có thể còn lớn hơn so với sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) hay ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2017. Với kết quả các cuộc thăm dò cho thấy khoảng cách giữa hai ứng cử viên hẹp hơn so với cuộc đối đầu năm 2017, các nhà đầu tư dường như đã sẵn sàng cho kịch bản một chiến thắng bất ngờ của bà Le Pen có thể làm chao đảo nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu giữa lúc lo ngại về suy thoái trong khu vực ngày càng tăng.
Trong nghiên cứu được công bố hồi tuần này, các chiến lược gia tại Citi đưa ra xác suất giành chiến thắng của bà Le Pen là 35%. Tuy nhiên, họ vẫn khuyến khích khách hàng phòng ngừa rủi ro khi đặt cược vào trái phiếu chính phủ Pháp.
Tuy nhiên bất kỳ ai giành chiến thắng cũng sẽ phải đối mặt với thách thức lớn đầu tiên, đó là cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới để quyết định đảng nào sẽ kiểm soát đa số tại Quốc hội. Đó cũng là một trận chiến chắc chắn cũng sẽ không kém phần cam go./.