Bầu cử Quốc hội Afghanistan: Niềm hi vọng xen lẫn sự hoài nghi
VOV.VN - Bất chấp tình trạng bạo lực leo thang gần đây, hàng triệu cử tri Afghanistan hôm 20/10 bắt đầu bỏ phiếu bầu ra Quốc hội nhiệm kỳ 5 năm.
Bên cạnh những lá phiếu được đặt nhiều kỳ vọng cho một tương lai hòa bình, ổn định và phát triển; vẫn còn những không ít những ý kiến hoài nghi về kết quả mà cuộc bầu cử lần này sẽ mang lại. Theo ghi nhận mới nhất, đã có một số vụ nổ tại 4 điểm bỏ phiếu tại thủ đô Kabul và khiến 4 người bị thương.
Ảnh minh họa: Reuters. |
Từ 7h sáng 20/10 (theo giờ địa phương), tức 9h30 sáng 20/10 (theo giờ Việt Nam), khoảng 8,8 triệu cử tri Afghanistan ghi danh bỏ phiếu trước đó, đã bắt đầu đi bỏ phiếu để chọn ra 249 ghế Nghị sĩ trong Quốc hội mới từ 2.450 ứng cử viên.
Tại một điểm bỏ phiếu tại thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani kêu gọi người dân thực hiện quyền công dân của mình: “Hôm nay, tôi nói với bạn như một công dân của đất nước này. Yêu cầu của tôi là mọi người đàn ông và phụ nữ của Afghanistan nên thực hiện quyền được bỏ phiếu của mình”.
Trước đó,Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng đã kêu gọi cử tri Afghanistan đi bỏ phiếu bầu Quốc hội, nhằm tạo điều kiện cho hòa bình và ổn định ở quốc gia Nam Á này. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều cử tri gửi gắm trong những lá phiếu bầu. Mohammad Yar – một sinh viên Đại học chia sẻ: “Vâng, tôi sẽ bỏ phiếu, bởi vì chúng tôi cần những thành viên quốc hội tốt, những người có trình độ tốt. Tôi sẽ cố gắng hết sức để bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà tôi ủng hộ. Chúng tôi đang sống trong một quốc gia không an toàn với tình trạng an ninh xấu. Chúng tôi đang hy vọng có được một tương lai tốt đẹp, vì vậy tôi sẽ bỏ phiếu”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng đó, không ít người dân Afghanistan đã bày tỏ sự hoài nghi đối với kết quả mà cuộc bầu cử sẽ mang lại. Nhiều người lo sợ tình hình an ninh cho các điểm bỏ phiếu không được đảm bảo an toàn; nhiều người cho rằng cuộc bầu cử sẽ có gian lận.
Cử tri Yama, một người thợ cơ khí cho biết: “Tôi không nghĩ cuộc bầu cử là minh bạch, bởi vì một số ứng cử viên bị cáo buộc sẽ mua lá phiếu từ một số cử tri bằng tiền. Một số ứng cử viên khác cũng đã cung cấp gạo hoặc dầu ăn cho người dân trong chiến dịch tranh cử để có được lá phiếu ủng hộ. Vì cuộc bầu cử là không minh bạch nên nó không thể mang lại một tương lai tốt đẹp cho người dân.”
Tình trạng an ninh bất ổn, nhiều cáo buộc gian lận xuất hiện sẽ tác động tiêu cực đến số lượng cử tri đi bỏ phiếu. Nhiều báo cáo cho rằng, có thể chưa tới 1/2 trong tổng số 8,8 triệu cử tri (theo dự kiến trước đó) sẽ đi tham gia bỏ phiếu. Trong khi đó, ngay cả khi 8,8 triệu cử tri đi bỏ phiếu đầy đủ thì đây cũng chưa phải là con số cao cho một đất nước có tới 34 triệu dân.
Chuyên gia phân tích chính trị Ghulam Jelani Zwak cho biết: “Không có môi trường tốt, là hòa bình, ở Afghanistan. Hơn 50 hoặc 40% diện tích Afghanistan thuộc quyền kiểm soát của Taliban và các nhóm khác. Vì vậy, một nửa Afghanistan không thể tổ chức bầu cử. Thêm vào đó vẫn còn rất nhiều dấu hiệu của gian lận trong cuộc bầu cử".
Theo Ủy ban bầu cử độc lập, ban đầu nhà chức trách dự định mở 7.355 trung tâm bầu cử trên cả nước, nhưng chỉ có 5.100 được mở trong ngày bầu cử, do các mối quan ngại về an ninh. Tại 2 tỉnh thành bất ổn bậc nhất Afghanistan là Kandahar và tỉnh Ghazni, cuộc bầu cử hôm 20/10 đã bị tạm hoãn. Tổng thống Ashraf Ghani tiết lộ, cuộc bầu cử tại tỉnh Kandahar sẽ được tiến hành sau 1 tuần nữa.
Dự kiến, cuộc bầu cử Quốc hội Afghanistan sẽ kết thúc vào lúc 16h chiều 20/10 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, do xuất hiện một số lỗi kỹ thuật như tài liệu bầu cử đến trễ, công nghệ đăng ký cử tri bằng sinh trắc học bị lỗi tại một số điểm bỏ phiếu nên quá trình bỏ phiếu tại những điểm này sẽ được kéo dài sang ngày mai (21/10). Do khó khăn trong việc thu thập hòm phiếu nên dự kiến phải mất ít nhất hai tuần để hoàn tất công tác kiểm phiếu; và đến cuối tháng 12 mới có kết quả cuối cùng./.