Bầu cử Tổng thống Venezuela: Cuộc đua song mã
(VOV) -Hôm nay (14/4), cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela chính thức diễn ra với 7 ứng viên tham gia tranh cử.
Mặc dù có đến 7 ứng viên tham gia tranh cử, song trên thực tế đây là cuộc đua song mã giữa quyền Tổng thống Nicolás Maduro, ứng cử viên của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền, và Thống đốc bang Miranda, ông Henrique Capriles của liên minh đối lập Ban đoàn kết dân chủ (MUD).
Quyền Tổng thống Maduro (Ảnh: revoluciontrespuntocero.com) |
6 tháng sau cuộc bầu cử với kết quả Tổng thống Chavez giành chiến thắng thuyết phục, nay, các đại diện của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela và liên minh đối lập Ban đoàn kết dân chủ lại tiếp tục đọ sức tại hòm phiếu vào ngày hôm nay. Được cố Tổng thống Chavez tin tưởng giao trọng trách gách vác công việc đất nước, trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, quyền Tổng thống Maduro luôn nêu bật những thành tựu xã hội to lớn mà Venezuela đã đạt được dưới sự lãnh đạo của cố Tổng thống Chavez. Ông Maduro cam kết sẽ kế thừa những di sản mà cố Tổng thống Chavez đã để lại. Đó là những chương trình xã hội trụ cột của cuộc Cách mạng Bolivar nhằm phát triển giáo dục, y tế, xây dựng nhà ở, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, phân phối lương thực và thực phẩm thiết yếu với giá ưu đãi dành cho người nghèo…
Trong khi đó, ứng cử viên Capriles, từng thất bại trước cố Tổng thống Chavez trong cuộc bầu cử ngày 7/10 năm ngoái, cũng cam kết tăng lương tối thiểu, đa dạng hóa nền kinh tế, giảm tỷ lệ tội phạm….. Ông đặc biệt nhấn mạnh sẽ theo đuổi chính sách mở cửa và hội nhập trên mọi lĩnh vực.Chính vì thế cả hai ứng cử viên đều đã lôi kéo được số lượng cử tri đông đảo ủng hộ cho mình.
Một người ủng hộ ứng cử viên Maduro cho biết: “Chúng tôi ủng hộ ứng cử viên Maduro trong cuộc bầu cử. Chúng tôi ủng hộ ông trở thành Tổng thống bởi chúng tôi được hưởng lợi từ những chính sách của chính phủ”.
Một người ủng hộ ông Capriles cho rằng, “rất nhiều người đang ủng hộ cho Capriles vì ông đã đề xuất các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề của Venezuela, bao gồm chiến đấu với đói nghèo, an ninh công cộng và tình trạng thiếu năng lượng….”
Mặc dù cả hai ứng cử viên đều cam kết sẽ tiếp tục mang lại cuộc sống ấm no cho người dân và phát triển đất nước nhưng theo nhận định của giới phân tích, trong cuộc đua này, quyền Tổng thống Maduro có lợi thế hơn vì ông là người được cố Tổng thống Chavez lựa chọn. Mặc dù chính phủ của cố Tổng thống Chavez chưa giải quyết triệt để một số vấn đề về kinh tế, xã hội như tình hình an ninh hay tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, song trong suốt 14 năm cầm quyền, cố Tổng thống Chavez đã cải thiện một cách có hiệu quả cuộc sống của người nghèo. Đây chính là lợi thế lớn của quyền Tổng thống Maduro trong cuộc bầu cử lần này.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận được công bố gần đây, ông Maduro có số phiều nhiều hơn so với ứng viên đối lập Capriles với cách biệt tương đối lớn.
Các nhà quan sát bầu cử thuộc Liên minh các quốc gia Nam Mỹ thì cho rằng, điều quan trọng là các ứng cử viên cần phải công nhận kết quả bầu cử tại Venezuela. Theo ông Carlos Alvarez người đứng đầu phái đoàn gồm 40 quan sát viên đến từ khu vực cho rằng, một tiến trình cầu cử tin cậy là điều cần thiết tại Venezuela: “Khi có sự đối đầu chính trị tại Venezuela, thì cần phải có một người phân xử đáng tin cậy. Đó chính Hội đồng bầu cử quốc gia tin cậy và minh bạch để đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra công bằng, không có gian lận. Điều này sẽ đảm bảo cho nền dân chủ tại Venezuela”.
Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Nestor Reverol cũng cho biết, trong suốt quá trình bầu cử, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt sẽ được thực thi cùng với việc đóng cửa biên giới với Colombia và Brazil. Các biện pháp này sẽ kéo dài đến đêm ngày 15/4, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống. Ông Reverol cũng cho biết, khoảng 125.000 nhân viên an ninh sẽ tham gia vào “kế hoạch tuần tra và an ninh đặc biệt” tại hơn 13.600 điểm bầu cử vào ngày hôm nay (14/4) ./.