Biến thể Deltacron có thể là kết quả lỗi trong phòng thí nghiệm
VOV.VN - Các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu virus SARS-CoV-2 đã có những tranh cãi nảy lửa sau khi các nhà khoa học Cộng hòa Síp công bố phát hiện ra biến thể mới Deltacron.
Tiến sĩ Krutika Kuppalli, một bác sĩ, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng, biến thể mới Deltacron được phát hiện rất có thể do lỗi trong phòng thí nghiệm. Bà nhấn mạnh, biến thể Deltacron không có thật và có khả năng là do quá trình tạo tác trong phòng thí nghiệm dẫn tới nhiễm bẩn các thành phần Omicron trong mẫu vật Delta.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Thomas Peacock, một nhà nghiên cứu virus từ Đại học Hoàng gia London cho biết, cấu tạo di truyền của chuỗi 'Deltacron' dường như bị “nhiễm bẩn” trong quá trình xử lý trong phòng thí nghiệm.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, việc lai giữa Omicron và Delta là hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng các nhà virus học cho biết, điều đó sẽ khó khả thi. Phó Tổng giám đốc Phòng thí nghiệm sinh học phân tử châu Âu, Giáo sư Ewan Birney thừa nhận sự xuất hiện của biến thể Deltacron có thể xảy ra nhưng khả năng biến thể đã hợp nhất hai dòng Delta và Omicron là cực kỳ thấp. Ông cho rằng, các biện pháp trước mắt là xác định xem liệu sự tái tổ hợp này có thực sự xảy ra hay do một lỗi nào đó trong quy trình xử lý trong phòng thí nghiệm.
Trong khi đó, nhóm các nhà khoa học Cộng hòa Síp phát hiện ra biến thể này đã phản bác lại các báo cáo cho rằng biến thể Deltacron là lỗi trong phòng thí nghiệm và khẳng định lại đây một biến thể mới. Tiến sĩ Leonidos Kostrikis trao đổi với tạp chí Bloomberg rằng, các trường hợp mà ông và đồng nghiệp tìm ra là sự tiến hóa đối với một chủng Delta chứ không phải là kết quả của một tái tổ hợp hai dòng. Ông tuyên bố các mẫu bệnh được xử lý theo các quy trình chặt chẽ.
Kể từ khi đại dịch xuất hiện, virus SARS-CoV-2 đã phát sinh hàng chục biến thể, tuy nhiên, 4 trong số đó đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ định cần quan tâm là: Alpha, Beta, Delta và Omicron./.