Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba: Những bước đi cụ thể
VOV.VN - Mỹ cho biết hai nước đang thảo luận về khả năng nâng cấp tại cuộc đối thoại về vấn đề nhập cư sắp tới, tạo tiền đề để đề cập các vấn đề khác.
Ngày 19/12, Quốc hội Cuba đã nhất trí thông qua thỏa thuận mà La Habana đạt được với Washington về việc bình thường hóa quan hệ song phương sau một nửa thế kỷ thù địch. Còn về phía Mỹ, Tổng thống Barack Obama sẽ sớm sử dụng quyền hành pháp mở rộng của mình để nới lỏng hạn chế du lịch, thương mại và tài chính đối với Cuba bất chấp sự phản đối của Quốc hội Mỹ.
Như vậy, sau khi hai bên có những tuyên bố lịch sử về việc bình thường hóa thì đây là những bước đi đầu tiên nhằm thực hiện những tuyên bố đó.
Phiên họp Quốc hội Cuba do Chủ tịch Raul Castro chủ trì, tập trung thảo luận việc đảo quốc này nối lại quan hệ với Mỹ. Chủ tịch Castro tuyên bố, mặc dù hai bên còn tồn tại nhiều khác biệt sâu sắc, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia, dân chủ, nhân quyền và chính sách đối ngoại, song Cuba vẫn khẳng định lập trường của La Habana là sẵn sàng đối thoại về tất cả các vấn đề này.
Còn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, cuộc đàm phán chính thức hướng tới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa Cuba và Mỹ sẽ được khởi động tại thủ đô La Habana vào cuối tháng 1/2015.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Jacobson cho biết, hai nước đang thảo luận về khả năng nâng cấp tại cuộc đối thoại về vấn đề nhập cư sắp tới, tạo tiền đề để đề cập các vấn đề khác. Ngoài ra, Mỹ bắt đầu xem xét việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, một yếu tố quan trọng để Washington có thể chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với quốc đảo này.
Tổng thống Obama trước đó đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng sáu tháng tới. Theo đó, Bộ tài chính Mỹ sẽ cho phép người gốc Cuba gửi tiền về quê hương gấp 4 lần mỗi quý, từ 500 USD lên 2.000 USD, đồng thời có thể chuyển tiền trực tiếp chứ không cần qua ngân hàng ở nước thứ ba.
Cơ quan này cũng sẽ cấp giấy phép du lịch đặc biệt cho các chuyến thăm gia đình hoặc theo các chương trình trao đổi giáo dục, văn hóa, tôn giáo hay thông qua các dự án hỗ trợ nhân đạo. Bộ Thương mại Mỹ sẽ nới lỏng danh mục xuất khẩu hàng hóa như trang thiết bị kỹ thuật cho các công ty xây dựng, viễn thông, công nghệ phần mềm, nông nghiệp, ô tô và đồ trang sức cùng các bản quyền khoa học, dụng cụ thể thao và âm nhạc cho Cuba.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 19/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Cuba sẽ thay đổi, đó là kết quả của việc đảo quốc này nối lại quan hệ với Washington, nhưng những tiến bộ sẽ không diễn ra trong một đêm.
Phát biểu tại cuộc họp báo cuối cùng của năm 2014, ông Obama nói: “Tôi không cho rằng Cuba sẽ thay đổi chỉ sau 1 đêm sau những gì đã tồn tại suốt 50 năm qua. Cần phải làm một cái gì đó khác biệt nếu muốn một kết quả khác biệt. Sẽ không thực tế để vạch ra chính xác những gì sẽ thay đổi sẽ đến với Cuba”.
Thỏa thuận lịch sử giữa Cuba và Mỹ về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao bị "đóng băng" kể từ năm 1961 có thể sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ xâm nhập vào thị trường Cuba sau nhiều năm chờ đợi. Các công ty lớn của Mỹ như nhà sản xuất xe hơi General Motors, "gã khổng lồ" trong ngành nông nghiệp Cargill, hay các doanh nghiệp lớn khác đều đồng loạt đánh giá cao quyết định sáng suốt của Tổng thống Mỹ Obama.
Ông Cancio, Giám đốc điều hành công ty Fuego của Mỹ cho biết: “Các doanh nghiệp Mỹ đều đã sẵn sàng mở két đối với các kế hoạch liên quan đến Cuba. Những chiến lược đối với Cuba đều được họ lên kế hoạch từ vài năm trước hoặc chí ít cũng từ vài tháng trước. Mọi người đều rất vui mừng về những cơ hội làm ăn tại Cuba. Cuba có thể là biên giới Bắc Mỹ cuối cùng”.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, rào cản lớn nhất để thiết lập một mối quan hệ thương mại toàn diện giữa hai nước trong thời gian trước mắt vẫn sẽ là Luật Cấm vận được Mỹ áp dụng từ hơn nửa thế kỷ qua và chỉ có Quốc hội mới có quyền bãi bỏ. Quốc hội lưỡng viện Mỹ vào đầu năm 2015 đều do phe Cộng hòa kiểm soát và các chủ trương tăng cường giao dịch với Cuba của ông Obama sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Ngay cả một số nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ cũng phản đối thỏa thuận lịch sử vừa đạt được với Cuba.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sự chống đối đó có thể thay đổi bởi phần lớn cử tri Mỹ muốn có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Cuba. Cụ thể, có hơn 40% dân Mỹ ủng hộ nối lại quan hệ ngoại giao với La Habana, so với 20% phản đối và 39% do dự. Các doanh nghiệp Mỹ cũng đã tới Cuba và họ nhận thấy nhiều tiềm năng kinh tế, thương mại tại "hòn đảo tự do" có gần 11, 2 triệu dân này.
Cuba tuy được coi là nước nghèo nhưng có tổng sản phẩm quốc nội tính theo sức mua ngang giá năm 2011 lên tới 212 tỉ USD. Từ khi thực hiện chính sách cải cách kinh tế cuối năm 2011, quốc đảo này đã thành lập khoảng 450.000 doanh nghiệp nhỏ và đây là các đối tác làm ăn cho các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài.
Kể từ khi ông Obama lên nắm quyền năm 2008, trao đổi thương mại song phương giữa Mỹ và Cuba đã tăng lên nhanh chóng, từ 401 triệu USD lên 962 triệu USD hồi năm ngoái. Theo một nghiên cứu mới đưa ra, một khi lệnh cấm vận được nới lỏng, kim ngạch thương mại hai nước sẽ lập tức vượt hơn 10 tỉ USD mỗi năm./.