Bỏ trống vai trò “đầu tàu”, Mỹ và Trung Quốc sụt giảm uy tín vì Covid-19?

VOV.VN - Giới phân tích cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của thế giới về một vai trò "đầu tàu” trong đối phó dịch Covid-19.

Giới quan sát đang tranh luận về việc dịch Covid-19 có khả năng gây tổn hại lớn hơn đối với vị thế của Mỹ hay của Trung Quốc trên trường quốc tế. Đã có nhiều quan điểm đưa ra liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên theo các nhà sử học việc đánh giá danh tiếng của quốc gia nào bị tổn hại hơn sẽ dựa trên một số tiêu chí khác nhau.

Nhân viên y tế  Mỹ kiểm tra sức khỏe của người dân. Ảnh: Reuters.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều được cho là chưa thực sự phản ứng tốt trước đại dịch. Nhà nghiên cứu Michael Fullilove của Viện Lowy nhận xét rằng những “quốc gia nhỏ hơn nhưng hành động nhanh hơn” đã ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 ở trong nước hiệu quả hơn so với “các cường quốc”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,4 triệu ca mắc và 85.197 ca tử vong do Covid-19. Trong khi Trung Quốc ghi nhận 82.929 ca mắc và 4.633 ca tử vong. Trung Quốc là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19. Hiện giờ dù số ca mắc mới vẫn ở mức thấp nhưng nước này vẫn đang lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 2 khi xuất hiện một số ổ dịch mới sau khi nới lỏng biện pháp phong tỏa.

Trái lại, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) lại nhận được sự khen ngợi và được coi là hình mẫu chống dịch hiệu quả. Hong Kong (Trung Quốc) đã thành công trong việc ngăn chặn làn sóng thứ 2 khi không ghi nhận ca mắc mới nào tại địa phương trong 21 ngày, làm gia tăng khả năng chính quyền khu vực sẽ tuyên bố loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 5/2020.

Đánh mất lòng tin chiến lược

Hai bên đều không thúc đẩy được sự hợp tác trong cuộc chiến chống Covid-19. Thay vì đoàn kết chống lại “kẻ thù chung”, 2 quốc gia lại đẩy quan hệ vốn đã căng thẳng bấy lâu nay lên một nấc thang mới mà có thể phải mất thời gian dài mới hàn gắn được.

Nói một cách hình tượng, nếu như quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trước kia đang đứng trên rìa của một vách đá thì dịch bệnh Covid-19 đã đẩy nó rơi xuống vực sâu. Hoài nghi, mâu thuẫn và sự mất lòng tin chiến lược quá lớn đến mức các chuyên gia Trung Quốc phải nhận xét rằng, 2 bên đang bước vào thời kỳ đầu của 1 cuộc chiến tranh Lạnh mới, có thể khiến đại dịch kéo dài, khoét sâu những tổn thương về kinh tế và làm suy yếu khả năng ngăn chặn các mối đe dọa chung của thế giới.

Theo CNN, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, khi cả 2 bên hy vọng đạt được lợi ích chính trị bằng cách đổ lỗi cho bên kia về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Trump liên tục công kích Trung Quốc về cách xử lý dịch bệnh, nghi ngờ số liệu mà nước này đưa ra và chỉ trích phản ứng ban đầu của Bắc Kinh. Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc của Washington. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/5 cho biết, nước này luôn minh bạch trong cuộc chiến chống Covid-19 và hợp tác chặt chẽ với WHO.

Phát biểu với Bussiness Insider, Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung tại Hiệp hội Châu Á cho biết: “Về cơ bản, chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Mỹ ngày càng đối nghịch và tách rời Trung Quốc. Hậu quả của sự đổ vỡ trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ rất nghiêm trọng đối với thế giới và với nền kinh tế toàn cầu bởi sự hợp tác giữa hai bên là chìa khóa của toàn bộ kiến trúc toàn cầu hóa và thương mại trên thế giới. Chỉ cần 1 sự tách rời sẽ gây ra xáo trộn rất lớn”.

Theo nhà phân tích Orville Schell, sự công kích lẫn nhau được coi là biện pháp hữu ích cho cả 2 bên khi họ muốn tìm cách chuyển sự chú ý ra khỏi các vấn đề trong nước. Bắc Kinh đang nỗ lực hồi sinh nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề và tránh tình trạng thất nghiệp gia tăng. Còn Mỹ phải đối mặt với tình trang suy thoái kinh tế, chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp lên đến 15%. Hơn nữa, Tổng thống Trump đang tiến hành chiến dịch tái tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 2 vì thế việc sử dụng chiêu bài “hạ bệ” Trung Quốc được cho là sẽ giúp ông giành dược sự ủng hộ của cử tri.

Bỏ trống vai trò “đầu tàu”

Cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của thế giới về vai trò đầu tàu trong đối phó đại dịch.

Tổng thống Trump từng khẳng định vai trò dẫn đầu thế giới của Mỹ trong mọi lĩnh vực. Nhưng lịch sử sẽ lần đầu tiên chứng minh rằng, với sự ảnh hưởng của Covid-19, tuyên bố này không còn đúng nữa.

Hình ảnh bấy lâu nay của nước Mỹ như một quốc gia lãnh đạo thế giới, một đối tác đáng tin cậy giờ đang lung lay nghiêm trọng. Cầu hàng không của Mỹ bị tê liệt. Các bang tại Mỹ phải tranh giành nguồn cung thiết bị y tế. Không ai có thể đoán trước được rằng, Mỹ - quốc gia chiếm 1/4 kinh tế toàn cầu lại nhanh chóng cạn kiện trang thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân cho bác sỹ và y tá khi dịch bệnh xuất hiện.

Chưa hết, thay vì thúc đẩy hợp tác chống Covid-19, Mỹ đã bỏ qua lời kêu gọi tạo ra một liên minh toàn cầu chống Covid-19. Tổng thống Trump đã quyết định rút tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới với cáo buộc cơ quan này “che đậy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh khiến hàng ngàn mạng sống bị cướp đi”.

Ông William Burns, nhà ngoại giao của Mỹ, hiện đứng đầu Trung tâm Carnegie Endowment cho biết: “Cách đối phó với đại dịch của ông Trump ở cả trong nước và ngoài nước đang bộc lộ nhiều khuyết điểm hơn bất cứ giai đoạn nào kể từ khi ông lên nắm quyền với phương châm “nước Mỹ trên hết”. Mỹ là quốc gia dẫn đầu về số ca tử vong, dẫn đầu về số ca mắc và nổi bật như biểu tượng của sự thất bại. Sự tổn hại đối với ảnh hưởng và danh tiếng của Mỹ sẽ rất khó khắc phục”.

Từng có suy đoán cho rằng, khi vai trò lãnh đạo của Mỹ bị suy yếu, Trung Quốc sẽ có lợi thế để lấp đầy khoảng trống. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, Trung Quốc đã nhanh chóng gửi vật tư y tế, khẩu trang, máy thở, thậm chí điều các bác sỹ tới quốc gia khác ở ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ y tế quy mô lớn.

Tuy nhiên đã có nhiều người đặt câu hỏi về mục đích thực sự của Bắc Kinh. Tại phương Tây, một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý ra khỏi cáo buộc nước này đã thiếu minh bạch thông tin về dịch bệnh cũng như những thất bại trong phản ứng ban đầu. Bên cạnh đó các nỗ lực khôi phục uy tín của Trung Quốc có thể phản tác dụng, khi thời gian gần đây, nhiều quốc gia than phiền về chất lượng hàng hóa viện trợ, hay cáo buộc Trung Quốc chi tiền vận động để xây dựng hình ảnh chống dịch Covid-19.

Theo giới quan sát, rất khó để dự đoán về một trật tự thế giới hậu Covid-19 khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa xác định thời điểm khi náo nó kết thúc. Nhiều ý kiến cho rằng, cái giá phải trả về mặt kinh tế và mạng sống của con người sẽ tiếp tục gia tăng cho đến khi tìm được vaccine.

Với vai trò là các nước lớn, Mỹ và Trung Quốc cần thúc đẩy sự hợp tác trong cuộc chiến chống dịch bệnh, khôi phục lại uy tín. Mỹ có thể thực hiện vai trò của “người dẫn đầu” 1 lần nữa nếu nước này thúc đẩy các liên minh có thể  giải quyết những tình huống khẩn cấp xuyên quốc gia ở hiện tại và tương lai. Nhưng để làm được điều đó, Mỹ cần phải thực hiện nỗ lực rất lớn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên