Bộ trưởng Tài chính G20 thúc đẩy cân bằng thương mại
VOV.VN - Nhiều nước cho rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề giải quyết nợ của các nước có thu nhập dưới trung bình.
Ngày 9/6, tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng trung ương của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tiếp tục bước vào ngày làm việc thứ hai, thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế thế giới.
Trong ngày làm việc này, các đại biểu sẽ bàn bạc làm thế nào để xóa bỏ sự mất cân đối giữa thu và chi của các nền kinh tế trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung ngày càng trở nên gay gắt.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ (phải) trong phiên họp của G-20 tại Fukuoka, Nhật Bản. Ảnh: WMT |
Trong ngày đầu tiên, các Bộ trưởng đã tập trung vào thảo luận những triển vọng của nền kinh tế thế giới, thống nhất biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế thế giới do chịu ảnh hưởng của xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Nhiều nước cho rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề giải quyết nợ của các nước có thu nhập dưới trung bình. Do đó, các nước G20 cần phải đánh giá lại các khoản vay, chính sách hỗ trợ của Ngân hàng thế giới đối với minh bạch hóa khoản nợ và nâng cao năng lực quản lý đối với các nước có thu nhập dưới trung bình.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho rằng tương lai của xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, cần phải giải quyết vấn đề này vì nó có thể sẽ làm mất đi lòng tin của thị trường.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2019, dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới đạt bình quân 3,3% và sẽ cố gắng khôi phục đạt 3,6% vào năm 2020.
Hội nghị cũng đã đưa ra được tuyên bố về dữ liệu mà trụ cột là ý tưởng lưu thông dữ liệu một cách tự do vượt biên giới và nguyên tắc của trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Các Bộ trưởng cho rằng một nền kinh tế số sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu đã được phát triển với tốc độ chóng mặt trên thế giới, do đó một quy chuẩn mang tính quốc tế về vấn đề này là nhiệm vụ cấp bách.
Hơn thế nữa, Ứng dụng kết nối vạn vật với Internet (IoT) cũng đang phát triển nhanh chóng. Theo dự đoán của Mỹ, ứng dụng này năm 2019 mà thị trường thế giới áp dụng sẽ tăng 15% so với năm 2018 và tiếp tục giữ mức tăng trưởng ở 2 con số. Dữ liệu lớn (big data) liên quan đến cá nhân, hoạt động thương mại nói chung sẽ được tích trữ và trở nên sôi động.
Nguyên tắc quốc tế về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao cũng đã được thông qua tại Hội nghị lần này. Trong nguyên tắc này tập trung mấu chốt vào tính minh bạch của việc tiến hành các thủ tục đấu thầu, tính mở trong các dự án cơ sở hạ tầng mà ai cũng có thể hưởng lợi khi đã hoàn thành, khả năng thanh toán nợ lâu dài cho các bên vay nợ…
Những vấn đề trên sẽ được thống nhất và thông qua lần cuối cùng tại Hội nghị G20 tổ chức vào ngày 28-29/6 tới tại Osaka, Nhật Bản hướng tới một nền tài chính minh bạch và tự do thương mại toàn cầu./.