Boeing điêu đứng trước làn sóng tẩy chay sau tai nạn máy bay Ethiopia
VOV.VN - Danh sách các quốc gia tẩy chay sử dụng dòng máy bay 737 MAX của hãng Boeing tiếp tục được nối dài thêm sau vụ tai nạn máy bay Ethiopia.
Hàng loạt các quốc gia trong đó có Mỹ và Canada tuyên bố cấm dòng máy bay này hoạt động. Đây được xem là đòn giáng mạnh vào uy tín của Boeing, đẩy “gã khổng lồ” trong ngành máy bay của nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử.
Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 13/3 tuyên bố tạm thời cấm các máy bay Boeing 737 MAX hoạt động. (Nguồn: The Japan Times). |
Cùng với Trung Quốc, châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới, Mỹ hôm qua (13/3) cũng đã ra lệnh tạm ngừng sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX vì lý do an toàn sau vụ tai nạn ở Ethiopia ngày 10/3 vừa qua, khiến 157 người thiệt mạng, cũng là vụ tai nạn thứ 2 của dòng máy bay này trong vòng 5 tháng.
Trong một sắc lệnh công bố hôm 13/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Các máy bay hoạt động trong không phận sẽ phải dừng hoạt động nếu thuộc dòng máy bay 737 MAX. Các phi công đều đã được thông báo. Các hãng hàng không cũng đã được thông báo và nhất trí với quyết định này. Sự an toàn của người dân Mỹ và tất cả mọi người là quan tâm lớn nhất của chúng ta lúc này. Trái tim của chúng tôi đồng cảm với những người đã mất đi người thân yêu, bạn bè và gia đình trong vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia và Indonesia. Đây là một điều kinh khủng. Hãng Boeing là một công ty đáng tin cậy và họ phải cố gắng rất nhiều vào thời điểm hiện nay. Tôi hy vọng, hãng sẽ nhanh chóng có câu trả lời và cho đến lúc đó, chúng ta phải tạm ngừng sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX".
Theo Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), những bằng chứng và dữ liệu vệ tinh mới được xử lý là cơ sở của quyết định cấm bay của Tổng thống Donald Trump. Giám đốc điều hành Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ Daniel Elwell cho biết, chưa rõ quyết định cấm các máy bay Boeing 737 MAX sẽ kéo dài đến bao giờ bởi sau vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Indonesia cuối năm 2018, Boeing vẫn đang dành nhiều thời gian để cải thiện phần mềm hoạt động của 737 MAX. Đây là lần thứ hai Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ ngừng hoạt động một dòng máy bay của Boeing trong vòng 6 năm qua. Cơ quan này đã từng ngừng bay dòng 787 Dreamliner năm 2013 do các vấn đề với pin.
Ngay sau quyết định của nhà chức trách Mỹ, nhiều hãng hàng không Mỹ sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX như: hãng hàng không Southwest Airlines, American Airlines and United Airlines phải sắp xếp lại các chuyến bay. Southwest Airlines là đơn vị hàng không sử dụng dòng máy bay 737 MAX nhiều nhất thế giới, với 34 chiếc đã phải hủy 5 chuyến bay trong ngày.
Quyết định của nhà chức trách Mỹ đã nhận được sự hoan nghênh của công nhân ngành hàng không Mỹ. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Liên đoàn ngành Hàng không Mỹ John Samuelsen đã nói rằng, việc dừng sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX sẽ tốt cho cả hành khách và nhân viên hàng không. Trong khi Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Mỹ phụ trách Giao thông và Cơ sở Hạ tầng Peter DeFazio kêu gọi mở cuộc điều tra tại sao Boeing 737 MAX lại nhận được chứng chỉ bay.
Về phía Boeing, hãng này vẫn khẳng định, dòng máy bay 737 MAX vẫn an toàn để vận hành, song Hãng ủng hộ quyết định của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Cùng với Mỹ, Canada cũng đã cấm toàn bộ dòng máy bay Boeing 737 MAX hoạt động trong không phận của nước này. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Giao thông Canada March Garneau nêu rõ: “Với những dữ liệu chúng tôi nhận được và thông qua phân tích cùng với cố vấn từ các chuyên gia, tôi ra một thông cáo an toàn như một biện pháp đề phòng. Thông cáo an toàn này cấm toàn bộ chuyến bay thương mại chở khách của mọi hãng hàng không sử dụng các dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 hoặc MAX 9, dù là bay nội địa hay quốc tế, được đến, đi hay bay qua không phận Canada. Thông cáo an toàn lập tức có hiệu lực cho tới khi có những thông báo mới”.
Quyết định của Mỹ và Canada được xem là khá bất ngờ bởi trước đó, bất chấp việc hàng loạt nước cấm Boeing 737 Max bay vào không phận, Mỹ và Canada vẫn khẳng định không có lý do gì để làm điều này. Đây được xem là đòn giáng mạnh vào uy tín của Boeing, đẩy “gã khổng lồ” trong ngành máy bay của nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử.
Sau thảm họa mới nhất với chiếc Boeing MAX 8 ở Ethiopia, giá trị thị trường của hãng Boeing đã giảm từ 240 tỉ USD xuống còn 210 tỉ USD. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây mới chỉ là phản ứng nhanh chóng của thị trường đối với giá cổ phiếu của hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới này, những ảnh hưởng nguy hại khác đối với hoạt động của Boeing sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới.
Trong ngày hôm qua (13/3) có thêm hàng loạt các quốc gia “gia nhập danh sách tẩy chay” máy bay Boeing 737 MAX. Brazil, Mexico và Panama là các quốc gia Mỹ Latinh tiếp theo tẩy chay dòng máy bay này. Nhiều nước Trung Đông như Ai Cập, Iraq, Kuwait, Lebanon, Oman, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng có động thái tương tự./.
Mỹ tạm ngừng sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX
Vì sao Trung Quốc khơi mào làn sóng tẩy chay Boeing 737 MAX?