Bolivia: Đụng độ ngày thứ 2 giữa cảnh sát và nông dân trồng coca
VOV.VN - Bạo lực bùng phát ngày thứ 2 liên tiếp ở Bolivia do nông dân trồng coca phản đối việc chính phủ giảm diện tích trồng loại cây có thể chế ra cocaine.
Các cuộc biểu tình của nông dân Bolivia phản đối cắt giảm diện tích trồng coca ngày 21/2 đã bùng phát thành bạo lực ngày thứ hai liên tiếp ở thủ đô La Paz. Cảnh sát chống bạo động Bolivia đã phải hoạt động cật lực trong ít nhất 4 giờ đồng hồ để giải tán đám đông hàng trăm người trồng cây coca hợp pháp.
Những người biểu tình giận dữ đã ném pháo hoa và gạch đá về phía cảnh sát để cố thủ ở vị trí biểu tình gần Palacio Quemado, dinh thự của Tổng thống Evo Morales. Nhưng cuối cùng họ đã phải rời khỏi đây đêm 20/2. Một quan chức chính phủ cho biết vài người biểu tình đe dọa sẽ cho nổ một trạm xăng sau khi đốt cháy đồn cảnh sát.
Bộ trưởng Nội vụ Jose Luis Quiroga cho biết cảnh sát đã bắt giữ 148 người biểu tình quá khích và đang điều tra để xác định trách nhiệm của từng người đối với vụ gây rối trật tự công cộng này.
Coca là tên gọi chung của bốn loài cây trồng trong họ Erythroxylaceae có nguồn gốc từ miền tây Nam Mỹ được dùng để điều chế cocaine. Đạo luật mới nhất do Tổng thống Bolivia Morales đề xuất đã đặt ra mức trần cho diện tích trồng coca hợp pháp ở Bolivia là 20.000ha (tương đương 49.421 mẫu đất).
Người biểu tình quá khích ở Bolivia ném gạch đá về phía cảnh sát. Ảnh: Rupty/Youtube. |
Tuy nhiên, những nông dân trồng coca ở Bolivia phản đối điều này vì cho rằng sản lượng của họ hiện nay hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường mua bán cocaine hợp pháp.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, với việc thu hoạch coca chỉ trên một diện tích 20.200 mẫu đất, Bolivia đã là nước sản xuất coca lớn thứ ba thế giới, sau Colombia và Peru.
Ngoài việc được dùng để điều chế cocaine, lá coca tươi được người dân địa phương sử dụng rộng rãi vì nó chống say khi ở trên độ cao như vùng núi Andes này mà lại không gây hưng phấn như dùng cocaine. Lá coca tươi cũng rất phổ biến trong các lễ nghi của người bản địa. Năm 2004, Tổng thống Carlos Mesa ban hành đạo luật cho phép trồng coca nhưng vẫn cấm trồng đại trà để sản xuất chất cấm./.