Brexit liên tiếp thất bại, Thủ tướng Anh vận động ủng hộ bầu cử sớm
VOV.VN - Liên tiếp những đòn giáng mạnh từ nghị sĩ đối lập và thậm chí cả trong nội bộ đảng Bảo thủ buộc Thủ tướng Anh phải “đặt cược” vào các cuộc bầu cử sớm.
Sau Hạ viện, hôm qua đến lượt Thượng viện Anh bỏ phiếu thông qua dự luật buộc Thủ tướng Boris Johnson phải xin gia hạn Brexit nhằm tránh một sự chia tay không thỏa thuận với Liên minh châu Âu. Liên tiếp những đòn giáng mạnh từ các nghị sĩ đối lập và thậm chí là cả trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền buộc nhà lãnh đạo Anh phải “đặt cược” vào các cuộc bầu cử sớm để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.
Thủ tướng Anh Johnson. Ảnh: Al Jazeera. |
Văn kiện được thông qua tối qua chỉ còn cần được Nữ hoàng Elizabeth II thông qua, dự kiến vào đầu tuần tới, để có thể chính thức trở thành luật. Dự luật buộc Thủ tướng phải trì hoãn Brexit thêm 3 tháng, so với thời hạn chót 31/10, nếu ông Boris Johnson không đạt được một thỏa thuận chia tay với Liên minh châu Âu từ nay đến ngày 19/10.
Vốn ưu tiên cho kịch bản “Brexit cứng” hơn là trì hoãn, nhà lãnh đạo Anh giờ đây hi vọng, phe đối lập sẽ thông qua yêu cầu của ông tổ chức bầu cử sớm vào giữa tháng 10 để thiết lập một thế đa số mới ủng hộ chiến lược Brexit của ông, là đưa Anh rời EU bằng mọi giá dù là có thỏa thuận hay không. Nhà lãnh đạo Anh ngay tối 6/9 đã bắt đầu cuộc vận động, với điểm đến đầu tiên là Scotland để gặp gỡ những nông dân và ngư dân từng ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016. Trái ngược với những khu vực còn lại của nước Anh, đa số cử tri Scotland khi đó lại bỏ phiếu ủng hộ việc Anh ở lại Liên minh châu Âu.
Sau thất bại đầu tiên, tối 9/9, Chính phủ sẽ một lần nữa trình lên quốc hội đề xuất tổ chức bầu cử sớm. Yêu cầu sẽ được thông qua nếu nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, thành công là không chắc chắn. Bởi các đảng đối lập những ngày qua cũng không bỏ lỡ thời gian để tập hợp sự ủng hộ.
Theo một người phát ngôn Công đảng đối lập, Thủ lĩnh Jeremy Corbyn sáng 6/9 đã có một cuộc họp tích cực qua điện thoại với các đảng đối lập khác nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận, cũng như về các cuộc bầu cử.
Trong khi đó một quan chức cấp cao đảng độc lập Scotland, đảng đối lập lớn thứ 2 tại Nghị viện tuyên bố, đảng này sẵn sàng làm việc với các đảng khác nhằm đảm bảo các cuộc bầu cử diễn ra “đúng thời điểm”: “Ông Boris Johnson sẽ không thể quyết định thời điểm bầu cử. Chúng ta đều biết những gì ông ấy đang cố gắng làm khi tìm cách đóng cửa Quốc hội. Bất chấp tính toán của ông ấy, chúng tôi sẽ quyết định thời điểm bầu cử. Anh sẽ tổ chức bầu cử vào thời điểm thích hợp”.
55 ngày trước thời hạn Anh phải rời Liên minh châu Âu, chính trường nước Anh vẫn rối như tơ vò. Một sự trì hoãn Brexit lần thứ 4 sẽ phải được tất cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu còn lại thông qua. Dù các nhà lãnh đạo EU dường như cũng để ngỏ cho khả năng này, song Thủ tướng Phần Lan Antti Rinni, hiện đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu hôm qua cũng phải thừa nhận, khả năng đạt thỏa hiệp với Liên minh châu Âu về một sự chia tay có trật tự dường như là không thể vào thời điểm hiện nay.
Chuyên gia phân tích Larissa Brunner thuộc Trung tâm chính sách châu Âu nhận định: “Có vẻ như Quốc hội Vương quốc Anh đã giành chiến thắng trong trận chiến đặc biệt này trong việc ngăn chặn Brexit không có thỏa thuận vào ngày 31/10. Nhưng cuối cùng, tất cả những khúc ngoặt đó không thực sự giải quyết được vấn đề rất cơ bản. Chỉ có ba kết quả có thể xảy ra trong toàn bộ quá trình Brexit. Đó là có thỏa thuận, không có thỏa thuận hoặc chính phủ Anh phải thu hồi Điều 50 và dừng toàn bộ tiến trình. Theo tôi tất cả những hỗn loạn trên chiến trường Anh chỉ là trì hoãn việc đưa ra quyết định mà thôi.”/.