Brexit, Toàn cầu hóa và triển vọng thế giới năm 2017
VOV.VN - Việc Anh đàm phán về Brexit sẽ kéo dài hơn dự kiến và khó có thể hoàn tất chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi điều 50 của Hiệp ước Lisbon được kích hoạt.
Trong phần 1 và 2 cuộc tọa đàm “Thế giới những điểm nhấn năm 2016”, cựu Đại sứ Ngô Quang Xuân và Tiến sĩ Trần Việt Thái đã phân tích các sự kiện có tính “bước ngoặt” trong năm 2016 và phân tích ý nghĩa lịch sử cũng như tác động của Phán quyết từ PCA về vụ kiện của Philippines.
Xin giới thiệu phần 3 và cũng là phần cuối cuộc tọa đàm, với nội dung về sự kiện Brexit và vấn đề Toàn cầu hóa.
Tránh để Brexit gây xáo trộn cả châu Âu
PV: Năm 2016 còn được cho là dấu mốc lịch sử của Liên minh Châu Âu, khi lần đầu tiên, người dân một quốc gia thành viên đã quyết định rời khỏi tổ chức này. Dù tiến trình này chưa bắt đầu song nó hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn ở Châu Âu trong thời gian tới. Ông đánh giá như thế nào về điều này, thưa Đại sứ Ngô Quang Xuân?
Đại sứ Ngô Quang Xuân: Chắc chắn là như vậy. Như chúng ta đã thấy, Vương Quốc Anh là một thành viên quan trọng trong tổ chức này, đây cũng là một mắt xích mang tính trụ cột của EU.
Chính vì vậy, khi một mắt xích quan trọng như vậy không còn, nó tạo ra một sự rúng động cho toàn Liên minh châu Âu. Hiện tại, những vấn đề mà cộng đồng chung châu Âu đang gặp phải cũng đã nhãn tiền, vì vậy, ưu tiên hàng đầu là tìm được giải pháp để nước Anh rời khỏi châu Âu mà không gây xáo trộn, sụp đổ cả hệ thống châu Âu.
Châu Âu, theo nhận định của những người làm ngoại giao như chúng tôi, là một khối đồng nhất nhất so với tất cả các khu vực khác. Việc một liên minh lớn mạnh như vậy bị phá bỏ, các nước khác ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điển hình như ở Đức, mặc dù Đức là một nước đang phát triển mạnh, tuy nhiên, chỉ số kinh tế cuối năm của Đức cũng đang gặp phải một số vấn đề.
Các nước khác trong khối liên minh châu Âu cũng đang trăn trở về quyết định nên ra đi hay ở lại. Như tôi đã nói ở trên, việc Anh tách ra khỏi EU không chỉ tác động trực tiếp đến nước Anh mà còn tác động đến các nước trong cùng khu vực về mặt kinh tế, xã hội hay thậm chí về mặt chính trị.
Anh đã rậm rịch, nhưng không thể sớm rời khỏi EU
PV: Với các nước bên ngoài Liên minh Châu Âu, việc Anh ra khỏi khối này sẽ tác động như thế nào đến quan hệ giữa các nước này với Anh, thưa TS Trần Việt Thái?
Tiến sĩ Trần Việt Thái: Mặc dù sự kiện Brexit chưa được đàm phán chính thức nhưng nó đã tác động đến tình hình thế giới. Cụ thể như Anh đã từ chối đảm nhận chủ tịch luân phiên của khối EU nửa cuối năm 2017.
Sự kiện này buộc châu Âu phải điều chỉnh kế hoạch của họ. Brexit đã làm dòng nhập cư thay đổi, tình hình tài chính cũng đã được dịch chuyển sang Frankfurt và các nơi khác. Khác với quy định 50 của Hiệp ước Lisbon, công cuộc đàm phán này có lẽ sẽ kéo dài hơn 2 năm. Sự kiện Brexit này cũng đã làm lộ ra rất nhiều bất đồng trong nội bộ nước Anh, khiến tình hình nơi đây trở nên phức tạp hơn.
Có thể rút ra một số bài học cho sự kiện này. Bài học đầu tiên là về cách ứng xử với xu thế dân tộc mới đang nổi lên ở nhiều nơi. Nếu ứng xử không khéo, các vấn đề liên quan đến đối ngoại, an ninh quốc phòng cũng vì thế mà bị ảnh hưởng theo.
Việc người dân mất niềm tin vào chính quyền cũng đã không còn xa lạ với thế giới hiện nay. Bản chất của sự kiện Brexit cũng là một cuộc khủng hoảng về lòng tin, khủng hoảng về thể chế.
Sau Brexit, tương lai châu Âu sẽ đi về đâu trong năm 2017?
Brexit bộc lộ mặt trái của toàn cầu hóa?
PV: Việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu cho thấy xu hướng bảo hộ đang gia tăng mạnh mẽ mà nguyên nhân là do người dân thất vọng với quá trình toàn cầu hóa. Xin Đại sứ Ngô Quang Xuân nói rõ hơn về mặt trái của quá trình toàn cầu hóa khiến người dân một số nước bất bình?
Đại sứ Ngô Quang Xuân: Tôi cho rằng đây cũng là một cách nghĩ phù hợp. Khi theo dõi quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, chúng ta có thể nhận ra rằng mỗi quốc gia đều có những cơ hội cũng như thách thức cụ thể.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007, 2008, rất nhiều quốc gia như Pháp, Anh, hay Mỹ, đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình ngồi thể hiện sự phản đối của người dân với việc toàn cầu hóa.
Trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống vừa qua ở Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố rằng, nếu ông trúng cử, ông sẽ đưa việc làm trở lại nước Mỹ. Hành động này giúp Mỹ có thể bảo vệ lợi ích bên trong: lợi ích của người dân Mỹ và lợi ích thị trường của Mỹ.
Đây là mặt trái của việc toàn cầu hóa. Hay như sự kiện Brexit, người dân nước Anh bỏ phiếu ủng hộ cho việc rời bỏ EU do họ cảm thấy các nước đang phát triển khác cũng đang phải san sẻ nguồn lực. Việc toàn cầu hóa khiến cho người dân các nước cảm thấy họ đang nhận lại ít hơn những thứ họ đáng lẽ phải được hưởng.
Như vậy, chúng ta có thể thấy toàn cầu hóa có hai mặt rõ ràng. Nếu như không chuẩn bị tâm thế tốt, có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với các vấn đề khó khăn.
Trong quá trình tổng hợp dữ liệu cho 10 năm gia nhập WTO, chúng tôi nhận thấy Việt Nam cũng đã hoàn thành được một số việc lớn, đặc biệt như việc kinh tế đã được ổn định sau khi nhận được sự hỗ trợ của nhiều thành phần trong đó có FDI hay các chương trình hợp tác lớn, nhưng đồng thời, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Việc gia nhập WTO khiến chúng ta phải gỡ bỏ các rào cản kinh tế và mở cửa cho mọi dòng hàng hóa. Khi nhập khẩu hàng nước ngoài về, hàng hóa Việt Nam mất dần vị thế vốn có của nó, có thể nói, chúng ta đang “thua trên sân nhà”. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế tốt cho toàn cầu hóa. Hàng hóa Việt Nam, trong lúc này, không những cần phải giữ vững vị trí ở dân nhà mà còn phải cố gắng vươn ra với thế giới.
Toàn cầu hóa dù mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tạo ra rất nhiều thách thức trong năm 2016 mà nổi bật là chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ. Ảnh: AP |
Thách thức từ toàn cầu hóa
PV: Liệu chủ nghĩa dân túy nổi lên có phải là do người dân thất vọng về toàn cầu hóa? Mặt trái toàn cầu hóa khiến họ cảm thấy không được quan tâm đầy đủ, buộc phải họ phải thể hiện ý kiến của mình bằng những hành động quyết liệt?
Đại sứ Ngô Quang Xuân: Đấy cũng là một cách suy nghĩ. Đồng xu nào cũng có 2 mặt. Toàn cầu hóa, mỗi quốc gia hội nhập có cơ hội nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức. Là người đàm phán trong quá trình Việt Nam gia nhập WTO, chúng tôi phải luôn ứng xử với tình huống đặt ra.
Thời kỳ 2008 khủng hoảng trầm trọng, biểu tình ngồi dây chuyền ở nhiều nơi ở châu Âu. Brexit thể hiện phản ứng của người dân, họ bị chia sẻ nguồn lực. Toàn cầu hóa 2 mặt rõ ràng, nếu không chuẩn bị sẽ đối mặt với những vấn đề rất khó khăn. Nguy cơ thua trên sân nhà. Nguy cơ nghèo đói.
Dự báo chung về năm 2017
PV: Xin hỏi nhận định của Tiến sĩ Trần Việt Thái về triển vọng Thế giới 2017?
Tiến sĩ Trần Việt Thái: Về triển vọng, cho phép tôi dùng 3 từ: bất ổn, bất định và rất khó lường. Nhiều mối quan hệ được cài đặt lại, ở nhiều cấp độ, cấp độ khu vực, cấp độ toàn cầu. Nhiều cơ chế đang được định hình lại.
Năm 2017 sẽ tiếp tục biến động và tiếp nối các xu hướng của các năm trước. Đấy là thế giới đang chuyển sang một trật tự mới, đa cực, và quyền lực phân tán đồng đều hơn giữa các quốc gia. Trong quá trình đó các vấn đề an ninh phi truyền thống vốn đang nổi lên gay gắt, trong năm 2017 chúng tôi e ngại nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố, lây lan của các loại dịch bệnh khó lường và thách thức trên không gian mạng tiếp tục rất lớn, đòi hỏi các quốc gia phải thích ứng được với bối cảnh mới này.
Đấy là dự báo tổng quát nhất về năm 2017. Cụ thể trong mối quan hệ nước lớn chẳng hạn, Mỹ Nga sẽ được cải thiện một chút, Mỹ Trung sẽ cứng rắn hơn, Mỹ Nhật sẽ tiếp tục được củng cố. Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục là trung tâm của thế giới, nền tảng, đầu tàu của kinh tế thế giới nhưng tiềm ẩn các nhân tố rất khó lường. Trong bối cảnh đó chúng ta không còn cách nào khác, phải chủ động ứng phó thôi./.