Bước ngoặt quyết định trong cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ
VOV.VN - Cái chết của công dân da màu George Floyd và các cuộc biểu tình trên toàn nước Mỹ đã tạo ra bước ngoặt lớn trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ.
Từ cuộc khủng hoảng y tế đến khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 và hiện nay là cuộc khủng hoảng xã hội liên quan tới cái chết của George Floyd đều đang được xem là những yếu tố then chốt quyết định thành bại của cả 2 ứng cử viên hàng đầu, là đương kim Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa và ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu phó Tổng thống Joe Biden.
Ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ Joe Biden hiện đang dẫn trước Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AP). |
Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ, cựu phó Tổng thống Joe Biden hôm qua (8/6) đã có cuộc gặp kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ với gia đình của công dân da màu George Floyd và theo một luật sư của gia đình, cuộc gặp là “rất có ý nghĩa”. Trước đó chỉ 1 tuần, cũng chính ứng cử viên đảng Dân chủ này đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với gia đình George Floyd và kêu gọi một phản ứng chính trị đối với tệ phân biệt chủng tộc trong lực lượng cảnh sát.
Cùng ngày, tại Đồi Capitol ở thủ đô Washington, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, cùng hơn 20 nghị sĩ khác đã quỳ gối mặc niệm công dân da màu George Floyd trước khi trình lên hai viện quốc hội dự luật cải tổ lực lượng cảnh sát, vốn là một trong những yêu cầu của người biểu tình trong hai tuần qua.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố:“Chúng ta sẽ không thể giải quyết bất cứ điều gì nếu không cải tổ mạnh mẽ lực lượng cảnh sát. Dự luật sẽ xóa bỏ những rào cản đối với việc truy tố các hành vi sai trái của cảnh sát và buộc họ phải chịu trách nhiệm mà không có bất kỳ sự miễn trừ nào”.
Hiện chưa rõ liệu dự luật có nhận được sự ủng hộ của Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát hay không, cũng như khả năng Tổng thống Donald Trump có ký ban hành. Tuy nhiên trước đó nhà lãnh đạo Mỹ đã thông qua các biện pháp cứng rắn đối với những người tham gia biểu tình, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với cảnh sát. Ông tuyên bố cảnh sát sẽ không bị cắt giảm ngân sách và giải thể:
Tổng thống Donald Trump cho biết:“Năm vừa qua đã chứng kiến tình trạng phạm tội giảm rõ rệt và lý do là vì chúng ta có một cơ quan thực thi pháp luật tuyệt vời. Tôi rất tự hào về họ và sẽ không chuyện cắt giảm ngân sách hay giải thể. Lực lượng cảnh sát đã đảm bảo cho chúng ta được sống trong yên bình và chúng tôi sẽ đảm bảo không có bất kỳ người khó tin cậy nào trong lực lượng cảnh sát”.
3 cuộc khủng hoảng tái định hình “thế trận” giữa Trump và Biden
Kể từ đầu cuộc khủng hoảng, trái ngược với đối thủ Joe Biden, Tổng thống Donald Trump lại hiếm khi có phát biểu công khai về cái chết của công dân da màu George Floyd, ngoài những dòng trạng thái trên Twitter cá nhân. Hai ứng cử viên Tổng thống hàng đầu đã tự xây dựng cho mình những hình ảnh trái ngược nhau. Nếu như ông Donald Trump tự nhận mình là “Tổng thống của luật pháp và trật tự”, thì cựu Phó Tổng thống Joe Biden lại hướng tới hình ảnh một người đại diện cho công lý và hàn gắn quốc gia.
Với quan điểm có phần mềm mỏng và đánh trúng tâm lý cử tri, sự ủng hộ đối với ông Biden đã tăng lên đáng kể trong tuần qua. Một cuộc thăm dò ý kiến do Reuters/Ipsos tiến hành trong tuần trước cho thấy đa số người Mỹ đồng cảm với người biểu tình và không tán thành phản ứng “hiếu chiến” của Tổng thống.
Mặc dù vậy, 5 tháng trước bầu cử, đảng Cộng hòa vẫn tin tưởng ông Donald Trump có thể xoay chuyển tình thế, nhất là khi kinh tế vẫn là điểm mạnh của nhà lãnh đạo này.
Cũng cần phải nhắc lại trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, cũng vào thời điểm này, ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã vươn lên dẫn dầu trong các cuộc thăm dò, song sau đó lại ngậm ngùi chấp nhận thất bại trước đối thủ khi đó và cũng là đương kim Tổng thống Donald Trump./.