Cả nước Mỹ rơi nước mắt vì lời chia sẻ của một cô bé da màu
VOV.VN - “Cháu cảm thấy bất bình, bởi vậy cháu đã quyết định đến đấy và nói với họ cháu cảm thấy như thế nào”, bé Zianna nói.
Cô bé da màu Zianna Oliphant, 9 tuổi, mới đây đã khiến cả thế giới phải rơi lệ vì bài nói chuyện gây xúc động của mình tại cuộc họp hội đồng thành phố Charlotte, ở bang Bắc Carolina tối 26/9. Bài nói chuyện của cô bé xuất hiện chỉ một tuần sau khi cảnh sát Mỹ lại bắn chết một người đàn ông da màu tên là Keith Scott.
Cả hội trường lặng đi trước lời chia sẻ của cô bé da màu Zianna Oliphant. (ảnh: AP). |
Bài nói chuyện tuy ngắn nhưng có giá trị hơn hàng ngàn những bài diễn thuyết dài dòng khác. Nó cho thấy tình trạng phân biệt đối xử đã ăn sâu trong xã hội Mỹ mà ngay cả một đứa bé da màu cũng có thể cảm nhận được, và phải chịu đựng cảm giác tủi thân từ khi còn rất nhỏ tuổi.
Cháu không thể chịu nổi cách cháu bị đối xử
Cô bé bước lên bục chia sẻ: “Cháu cảm thấy chúng cháu bị phân biệt đối xử hơn những người khác. Cháu không thích cách chúng cháu bị đối xử như vậy. Chỉ vì khác biệt màu da không có ý nghĩa gì với cháu”.
Cô bé Zianna Oliphant nói và bật khóc nức nở. Ai đó trong đám đông đã hét lên: “Cháu làm tốt lắm. Đừng dừng lại”.
Bé Zianna tiếp tục trong dòng nước mắt giàn giụa: “Chúng cháu là người da màu và chúng cháu không muốn phải cảm thấy như vậy. Chúng cháu không cần phải biểu tình phản đối vì những hành động phân biệt đối xử với chúng cháu là sai lầm. Chúng cháu làm điều này vì chúng cháu cần và có quyền”.
Cô bé Zianna Oliphant nói trong dòng nước mắt giàn giụa. (ảnh: ABC News). |
“Cháu không thể chịu nổi cách mà chúng cháu đang bị đối xử như vậy. Thật đáng buồn khi cha mẹ của chúng cháu đã bị giết, và chúng cháu thậm chí không thể nhìn thấy họ nữa. Chúng cháu phải đến nghĩa trang và chôn họ. Chúng cháu đã rơi nước mắt dù không nên phải thế. Chúng cháu cần cha và mẹ ở bên cạnh mình", cô bé Zianna bày tỏ.
Khi cô bé Zianna kết thúc, cả hội trường lặng đi trước những lời chia sẻ của em. Bài nói chuyện của Zianna nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, cho thấy sự phân biệt đối xử trong xã hội Mỹ đã gây ra nỗi đau trong tâm trí một bé gái 9 tuổi như thế nào.
Không thể không đau lòng
Ngày hôm sau, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí cô bé Zianna đã chia sẻ rằng: “Tất cả mọi điều cháu muốn chỉ là có quyền bình đẳng và chúng cháu muốn được đối xử giống như những người khác”.
“Cháu cảm thấy bất bình, bởi vậy cháu đã quyết định đến đấy và nói với họ cháu cảm thấy như thế nào. Cháu rất dễ xúc động … đó là lý do mà tại sao cháu khóc”, NBC dẫn lời bé Zianna nói.
Ngôi sao bóng đá người Mỹ Colin Kaepernick đã đưa đoạn video bài phát biểu của bé Zianna lên trang Instargram cá nhân cùng với lời bình: “Tôi không còn lời nào để diễn tả nỗi đau khi xem đoạn video này”.
Diễn viên người Anh Cynthia Erivo lại viết: “Gửi Zianna Oliphant, cô xin lỗi khi thế giới này khiến cháu cảm thấy như cháu không được coi trọng. Cháu yêu, cháu quan trọng hơn những gì mà cháu biết”.
Chưởng lý California, Kamala Harris cũng đã chia sẻ đoạn video và nói: “Không thể nào xem bài nói chuyện mà không cảm thấy đau lòng. Zianna, cháu đã rất dũng cảm để nói lên điều đó”.
Vẫn tiếp tục bạo loạn
Biểu tình và bạo loạn vẫn đang tiếp tục leo thang vào cuối tuần qua sau khi cảnh sát ở thành phố Charlotte, Mỹ cho công bố đoạn phim về cái chết của Scott, người đàn ông da màu 43 tuổi.
Hình ảnh trong đoạn video cho thấy, ngày 20/9, ông Keith Scott đã ra khỏi xe theo lệnh của cảnh sát và đi thụt lùi, hai tay buông thõng và không rõ có cầm gì trong tay hay không. 4 tiếng súng vang lên và ông ngã xuống đất.
Cảnh sát đã tuyên bố rằng họ thấy ông Scott có cầm súng và bởi vậy họ quyết định tiếp cận ông ấy. Nhưng gia đình của Scott lại cho rằng Scott không cầm vũ khí, mà ông ấy chỉ ngồi trong xe và đọc sách. Người dân Charlotte, Mỹ giận dữ xuống đường biểu tình, đập phá
Bên cạnh đoạn video, cảnh sát Mỹ cũng công bố hình ảnh về một khẩu súng ngắn và số cần sa mà họ cáo buộc thuộc sở hữu của Scott.
Sau cái chết của Scott, giới chức bang Bắc Carolina đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời cầu viện Lực lượng vệ binh quốc gia và cảnh sát Liên bang hỗ trợ trấn áp bạo lực vì những vụ biểu tình bùng phát tại Charlotte.
Charlotte là thành phố mới nhất tại Mỹ nổi lên các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát bắn chết người da màu. Trước đó, người da màu ở các thành phố Baltimore, Milwaukee, Chicago, New York, Ferguson, Missouri cũng đã từng đụng độ dữ dội với lực lượng thực thi pháp luật./.