Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kỳ vọng gì vào AMM lần thứ 53?
VOV.VN - AMM lần thứ 53 nhận được nhiều kỳ vọng của các nước thành viên với hi vọng dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, các nước vẫn tiếp tục thúc đẩy hợp tác bất chấp Covid-19 và thách thức an ninh mới đang nổi lên.
Ngày mai ( 9/9), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 ( AMM53) và các hội nghị liên quan chính thức diễn ra theo hình thức trực tuyến. Là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN, AMM53 lần này nhận được nhiều kỳ vọng của các nước thành viên, với hi vọng dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, các nước vẫn tiếp tục thúc đẩy hợp tác, thực hiện những chương trình ưu tiên của khối bất chấp đại dịch Covid-19 cũng như các thách thức an ninh mới đang nổi lên.
Với mong muốn hội nghị lần thứ 53 sẽ nhấn mạnh vào chủ nghĩa đa phương và khu vực, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN sẽ thảo luận về cách thức thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, phù hợp với chủ đề và những ưu tiên của nước Chủ tịch ASEAN trong năm nay.
Khi tham gia với những đối tác bên ngoài, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng sẽ tái khẳng định tầm quan trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, giữa bối cảnh những động lực và thách thức an ninh khu vực đang gia tăng
Riêng đối với Thái Lan, Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng sẽ tận dụng cơ hội này để nêu bật kế hoạch phục hồi hậu Covid-19, cụ thể hóa Quỹ ứng phó với dịch Covid-19 của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa khu vực trong việc giải quyết các thách thức chung.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno LP Marsudi bày tỏ mong muốn các nước thành viên ASEAN sẽ đưa ra những cam kết về ổn định chính trị và kinh tế khu vực trong một loạt cuộc họp tại hội nghị.
Bà Retno LP Marsudi nhấn mạnh: “Các cuộc họp ASEAN dự kiến sẽ thông qua một số văn kiện, bao gồm Tuyên bố chung của AMM 53 nhằm nhấn mạnh cam kết của các Bộ trưởng trong việc duy trì ổn định chính trị và kinh tế khu vực. Việc phê chuẩn Kế hoạch Hành động giữa ASEAN và các đối tác đối thoại, cũng như một số văn kiện khác vẫn đang trong quá trình đàm phán”.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Campuchia cũng nêu rõ, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 53 được kỳ vọng nhằm thúc đẩy hơn nữa sự thống nhất và đoàn kết, khả năng phục hồi, hội nhập và kết nối của ASEAN, cũng như tăng cường kết nối của khu vực với toàn cầu. Các cuộc họp cũng nhằm giải quyết tác động kinh tế xã hội do dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi toàn diện của ASEAN hậu Covid.
Với khoảng 20 phiên họp cấp Bộ trưởng, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 53 và các hội nghị liên quan sẽ tập trung vào 4 nội dung cụ thể, thứ nhất là rà soát tiến độ và đảm bảo chất lượng triển khai các ưu tiên, sáng kiến lớn đã thỏa thuận cho năm 2020, thứ 2 là đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, đề xuất hợp tác ứng phó dịch Covid-19; thứ 3 là kiểm điểm và định hướng hợp tác ASEAN với các đối tác, tăng cường phối hợp ứng phó với Covid-19 và thứ 4 là trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Với tư cách là nước chủ tịch ASEAN, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nêu kỳ vọng của Việt Nam tại Hội nghị AMM 53 lần này: “Với tư cách là nước chủ tịch ASEAN, Việt Nam kỳ vọng những kế hoạch ưu tiên từ đầu năm của Việt Nam cũng như của khối được triển khai đầy đủ để cuối năm nay thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Trong kế hoạch này, ngoài kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN, năm nay cũng có những sáng kiến ứng phó với dịch Covid-19”.
Dự kiến sẽ có khoảng 40 văn kiện được xem xét, ghi nhận và thông qua tại các Hội nghị. Trong đó, đáng chú ý là Thông cáo chung của Hội nghị AMM-53, Kế hoạch hành động Hà Nội 2 của ARF… Các Hội nghị Bộ trưởng khác sẽ có Tuyên bố Chủ tịch về các kết quả chính của từng hội nghị. Cũng trong dịp này sẽ thông qua một số Kế hoạch hành động mới cho giai đoạn 2021-2025 với các Đối tác./.