Các dự án nghiên cứu gây “sốc” của DARPA
VOV.VN - Giống như một quỹ đầu tư mạo hiểm, Cục quản lý các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) cung cấp kinh phí cho nhiều dự án gây “sốc” nhưng không thể trở thành hiện thực.
Mỗi thành công của Cục quản lý các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (Defense Advanced Research Projects Agency - DARPA) Bộ Quốc phòng Mỹ đi kèm với không ít lần thất bại. Không giống như hầu hết các cơ quan chính phủ khác, DARPA không bắt buộc phải quyết toán nghiêm ngặt - ví dụ, không bị Đạo luật hợp lý hóa việc mua bán của Liên bang yêu cầu giải trình. Do đó, cơ quan này có thể tự do định đoạt tiền của chính phủ - giống như một quỹ đầu tư mạo hiểm. Hãy lướt qua các dự án DARPA gây “sốc” nhất không thể trở thành hiện thực mà không thảo luận về khía cạnh tài chính của nó.
Robot ăn cỏ
Có lẽ dự án được đặt tên phù hợp nhất trong danh sách này là chương trình Robot chiến thuật tự chủ năng lượng (Energy Autonomous Tactical Robot - EATR) nhằm mục đích chế tạo robot có thể ăn thực vật. Điều này cho phép robot tiến hành quan sát hoặc ở trong thế phòng thủ mà không cần tiếp tế lâu hơn nhiều so với con người hoặc robot có nguồn năng lượng hạn chế hơn.
Các kỹ sư tính toán rằng, EATR có thể đi được 160km với mỗi 68kg sinh khối được tiêu thụ. Harry Schoell - Giám đốc điều hành của Cyclone Power Technologies - cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, các nhà thiết kế hoàn toàn hiểu được mối quan tâm của công chúng liệu những robot tương lai được nuôi dưỡng bởi thức ăn của người, nhưng đó không phải là mục tiêu của dự án. Tuy nhiên, dự án đã bị ngừng vào năm 2015.
Các tòa nhà tự sửa chữa
Mục tiêu của chương trình Thiết kế Vật liệu sống (Engineering Living Materials) của DARPA là tạo ra các vật liệu xây dựng có thể tự hồi phục trong trường hợp bị hư hỏng. Khi các nhà nghiên cứu tiếp tục phát triển các cơ quan và mô bằng phương pháp in 3D, DARPA hy vọng sẽ sử dụng các công nghệ tương tự để tạo ra các vật liệu lai có thể định hình và hỗ trợ sự phát triển của các tế bào nhân tạo.
DARPA muốn tạo ra các vật liệu có thể tự phục hồi khi bị hư hỏng “thay vì vận chuyển các vật liệu có sẵn, người ta có thể vận chuyển tiền chất và phát triển chúng nhanh chóng tại chỗ bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên địa phương. Và bởi vì các vật liệu còn sống, chúng sẽ có thể phản ứng với những thay đổi của môi trường xung quanh và tự phục hồi lại để ứng phó với tác hại”, theo Giám đốc dự án Justin Gallivan.
Máu nhân tạo
“Nuôi” máu là quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu từ các tế bào gốc trong môi trường phòng thí nghiệm. Chương trình DARPA Blood Pharming được cho là nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất và giảm chi phí cao liên quan đến việc phát triển các tế bào hồng cầu.
Nếu thành công, chương trình sẽ mở rộng đáng kể khả năng đảm bảo máu truyền cho binh lính và tại bệnh viện trên khắp thế giới và giảm nguy cơ bệnh lây truyền qua đường truyền máu. Nhưng kể từ năm 2013, chương trình đã không được nêu rõ trong các tài liệu ngân sách mới nhất và không có thông tin mới nào được công bố về nó.
Con bọ Cyborg
Bọ gián điệp DARPA là một phần của dự án năm 2006 liên quan đến việc gắn thiết bị truyền tín hiệu vào côn trùng để dùng cho mục đích trinh sát, giám sát. Chương trình “Hệ thống vi cơ-điện côn trùng lai” (“Hybrid Insect Micro-Electro-Mechanical Systems”) do các các nhóm nhà khoa học từ các trường Đại học Michigan và Cornell chủ trì. Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã phát triển các giao diện có thể kiểm soát hành động của côn trùng.
Năm 2009, các kỹ sư của Đại học Cornell đã cho ra mắt một nguyên mẫu thiết bị phát có nguồn nuôi hạt nhân dùng cho cho côn trùng cyborg. Đồng vị niken-23 sẽ cung cấp đủ năng lượng cho các cảm biến và thiết bị phát mà bọ cánh cứng có thể mang theo trong khi vẫn vô hại đối với con người.
Cấy ghép não chống rối loạn sau chấn thương
Theo một thông cáo báo chí của DARPA, chương trình Công nghệ thần kinh dựa trên hệ thống dùng cho các liệu pháp mới (The Systems-Based Neurotechnology for Emerging Therapies - SUBNETS) được thiết kế để tạo ra “hệ thống cấy ghép, chẩn đoán và điều trị vòng kín để điều trị các bệnh tâm thần kinh”.
Về thực chất, chương trình muốn tạo ra một bộ phận cấy ghép não sẽ giúp chống lại rối loạn chấn thương sọ não, lo lắng, lạm dụng chất kích thích v.v của các binh sĩ. Do những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn của một thiết bị như vậy, SUBNETS trưng dụng các chuyên gia giỏi đa ngành và liên ngành để giúp tạo ra một mẫu cấy ghép an toàn.
Robot bộ binh
Dự án phát triển chung nổi tiếng của DARPA và Boston Dynamics là Hệ thống Hỗ trợ Đôi Chân (“Legged Squad Support System”) LS3, có khả năng mang vác 180kg, dùng cho bộ binh. Trong các cuộc thử nghiệm, robot LS3 được sử dụng chủ yếu như một công cụ cung ứng hậu cần chứ không phải là một công cụ chiến thuật hoạt động cùng với các binh sĩ trực tiếp trên trận địa chiến đấu, do mức độ ồn cao phát ra từ động cơ đốt trong và khả năng việt dã tương đối kém của robot.
DARPA được thành lập theo lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower vào năm 1958 - sau vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Liên Xô. Tên của cơ quan đã thay đổi nhiều lần từ DARPA thành ARPA và trở lại - từ Defense đã được thêm vào, sau đó lại bị xóa. DARPA đã tham gia vào cả các dự án quân sự - ví dụ, công nghệ tàng hình hoặc vũ khí laser - và các dự án hòa bình: xe tự hành hoặc thu thập mảnh vỡ không gian.
Trong tôn chỉ của mình, cơ quan này tuyên bố, họ đã sẵn sàng cho các thất bại và hy vọng chỉ một phần nhỏ của các dự án sẽ thành công, nhưng thành công đó sẽ mang lại hiệu quả trang trải cho tất cả các khoản đầu tư khác. Đồng thời, không giống như các quỹ mạo hiểm, DARPA không kêu gọi cổ phần vốn cho các khoản đầu tư của mình; mục tiêu của nó là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước./.