Các hoạt động ngoại giao A-rập hướng tới Baghdad

Trong thời gian vừa qua, nhiều nước A-rập và Vùng Vịnh bắt đầu nối lại quan hệ ngoại giao với Iraq sau một thời gian gián đoạn. Nhiều nước đã mở lại Đại sứ quán ở Baghdad.

Ðây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nước A-rập dần dần thiết lập các mối quan hệ với Baghdad sau hơn năm năm chiến tranh ở Iraq.

Mới đây nhất, ngày 6/10, đại diện của Liên đoàn các nước A-rập đã tới Baghdad. Đại sứ Hani Khalaf có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ Iraq với các nước A-rập và hỗ trợ Iraq.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abul Gheit đã bất ngờ có chuyến thăm Iraq. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cao cấp Ai Cập kể từ năm 1990 đến nay. Chuyến thăm này nhằm mục đích mở rộng quan hệ chính thức giữa Ai Cập và Iraq. Hai bên tập trung trao đổi các biện pháp hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, cũng như việc mở lại Đại sứ quán ở Baghdad và vấn đề người tị nạn Iraq ở Ai Cập. Ngoại trưởng Abul Gheit cho biết, Ai Cập sẽ mở lại Đại sứ quán ở Baghdad nhưng không nói rõ thời điểm.

Về phần mình, Ngoại trưởng Iraq khẳng định, hai nước sẽ tăng cường quan hệ, Baghdad cần sự hỗ trợ của Cairo trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và nông nghiệp.

Hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã kêu gọi các nước A-rập giúp bình ổn tình hình an ninh và mở lại Đại sứ quán tại thủ đô Baghdad. Kể từ đó tới nay, một số quan chức các nước A-rập đã có nhiều chuyến thăm tới Iraq như quốc vương Jordan Abdullah II, Thủ tướng Lebanon Fouad Siniora cũng như Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất Abdallah, Thủ tướng Kuwait Jabir Al Mubarak. Cùng với các chuyến thăm ngoại giao, một số nước như Ba-ranh, Jordan, Kuwait, Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất và Syria đã cử đại sứ tới Baghdad. Các nước A-rập đã nhận thấy sự ổn định về an ninh của Iraq trong thời gian vừa qua.

Đánh giá được điều này, các quan chức Iraq đã tăng cường thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng trong các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại. Thủ tướng Iraq Maliki cho rằng đây là dấu hiệu tốt cho sự phát triển quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại với các nước A-rập và Vùng Vịnh./

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên