Các lựa chọn cho Iran trước nguy cơ Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân
VOV.VN - Tổng thống Donald Trump đặt hạn chót trước ngày 12/5 tới đây để sửa chữa thỏa thuận hạt nhân này, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận.
Các quan chức Mỹ gần đây liên tục đề cập khả năng sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 (còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung – JCPOA) được ký giữa Iran và nhóm P5+1 gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức.
Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei. Ảnh: Foreign Policy.
Sự đánh tiếng này của giới chức Mỹ được đưa ra khi hạn chót mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra để “sửa chữa” thỏa thuận đang đến gần. Iran dường như cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ bước đi nào của Mỹ.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và tuyên bố phản đối thỏa thuận hạt nhân quốc tế được ký dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Tổng thống Donald Trump đặt hạn chót trước ngày 12/5 tới đây để sửa chữa thỏa thuận hạt nhân này, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley trong tuần qua tiết lộ rằng, nhiều khả năng Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran. Có nhiều cơ sở để khẳng định tuyên bố của Đại sứ Mỹ có thể trở thành sự thật, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã chỉ định 2 vị trí mới là ông John Bolton - một cố vấn an ninh quốc gia và tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vốn là những người được cho là có cùng quan điểm cứng rắn với Iran.
Câu hỏi hiện nay đó là Iran sẽ phải làm gì trong những tuần sắp tới trước khả năng Mỹ có thể rút khỏi Thỏa thuận?
Theo giới quan sát, lựa chọn thứ nhất của Iran là trả đũa mạnh mẽ trước các hành động của Tổng thống Trăm, nhằm răn đe để Mỹ không gia tăng sức ép chống Iran. Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi nêu rõ, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran có thể sẽ nối lại hoạt động làm giàu uranium ở mức 20% chỉ trong vòng 4 ngày. Ông nhấn mạnh hành động này sẽ gửi đi "nhiều thông điệp tới Mỹ".
Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình hôm nay, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng khẳng định, Mỹ sẽ phải hối tiếc nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và phản ứng của Iran sẽ mạnh hơn so với dự đoán.
Một lựa chọn thứ 2 đó là Iran sẽ kiềm chế và lôi kéo sự ủng hộ của châu Âu, tránh nguy cơ thành lập một liên minh phương Tây chống Iran. Các quan chức Iran trước đó cho rằng, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, có khả năng cao châu Âu sẽ không tuân theo. Trên thực tế, các nước Liên minh châu Âu cũng liên tục kêu gọi các bên duy trì Thỏa thuận hạt nhân.
Iran dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nếu bị tái áp đặt trừng phạt
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn cam kết giúp Thỏa thuận hạt nhân Iran phải được tôn trọng. Chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo điều này. Tuy nhiên chúng tôi cũng cần phải xem xét chương trình tên lửa đạn đạo và vai trò của Iran tại khu vực Trung Đông”.
Khi đó Iran sẽ tiếp tục đối thoại với nhóm 3 nước Liên minh châu Âu (bao gồm Pháp, Anh và Đức) với hi vọng kéo châu Âu về phía nước này. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, có thể các nhà lãnh đạo Iran sẽ chọn con đường hoàn hảo ở giữa, đó là cùng với các biện pháp đủ mạnh để răn đe chính quyền Tổng thống Mỹ không gia tăng sức ép thêm nữa, trong khi vẫn nhận được sự ủng hộ quốc tế để ngăn chặn một liên minh phương Tây mới chống Iran.
Iran cũng bắt đầu chuẩn bị các cơ sở về dư luận trong nước cũng như khả năng thích ứng kinh tế nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.
Phát biểu trong lễ năm mới của người Iran, Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố, chủ đề của năm nay đó là “ủng hộ các sản phẩm của Iran”, theo đuổi một nền kinh tế tự cường và tự cung tự cấp. Nền kinh tế Iran hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài. Việc củng cố nền kinh tế vững mạnh, tránh phụ thuộc vào bên ngoài, có thể giúp đoàn kết người dân, tránh những tác động mạnh của các biện pháp trừng phạt. Ngoài ra, các quan chức Iran cũng khẳng định sẽ mở rộng mối qua hệ với Nga và Trung Quốc để đảm bảo sự trung hòa và giảm thiểu tác động sức ép từ Mỹ./.