Các nhà lập pháp Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu
VOV.VN - Sáng 20/11, các nhà lập pháp Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu trong một cuộc bỏ phiếu mang tính tượng trưng nhằm gia tăng sức ép cho các hành động chống lại tình trạng ấm nóng toan cầu.
Động thái trên diễn ra sau khi vào tháng trước chính phủ Nhật Bản cam kết đạt mục tiêu trung hòa cácbon và đặt thời gian biểu để đưa khí thải về 0.
Tình trạng khẩn cấp khí hậu, một tuyên bố không mang tính ràng buộc, do nhóm các nghị sỹ gồm nhiều đảng phái soạn thảo, đã dẫn chứng những “thiệt hại chưa từng có” từ các trận siêu bão, lũ lụt và cháy rừng. Tuyên bố nhấn mạnh, với những hình thái khí hậu dị thường trong năm nay, từ mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương đến lũ lụt ở châu Âu liên quan đến biến đổi khí hậu, các chính phủ trên khắp thế giới đang đối mặt với lời kêu gọi hành động nhiều hơn, ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành làm suy kiệt các nguồn lực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nghị sỹ đảng Tự do Dân chủ cầm quyền Yoshihisa Furukawa, Chủ tịch Ban thư ký nhóm các nghị sỹ soạn thảo tuyên bố cho biết, đây là 1 nghị quyết rất quan trọng để chứng tỏ với thế giới, Nhật Bản không tụt hậu trong cuộc chiến chống tình trạng ấm nóng toàn cầu.
Ông Furukawa nói: “Tôi nghĩ, điều này có thể phát đi thông điệp cho thế giới thấy rằng, Quốc hội và chính phủ Nhật Bản giữ vững quyết tâm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu nhằm tiến tới 1 xã hội không các-bon. Theo quan điểm của tôi, điện hạt nhân đang có một vai trò nhất định để đạt mục tiêu khí thải các-bon bằng 0 vào năm 2050 ”.
Mục tiêu mới của Nhật Bản về trung hòa các-bon có thể mở đường cho ngành điện hạt nhân phát triển trở lại, gần 10 năm sau thảm họa Fukushima khiến phần lớn các lò phản ứng phải đóng cửa, mặc dù công chúng vẫn e ngại về ngành này. Trước thảm họa Fukushima, điện hạt nhân cung cấp 30% sản lượng điện cho Nhật Bản, khi nước này có 54 lò phản ứng hoạt động, so với chỉ còn 2 lò phản ứng như hiện nay./.