Các nước Đông Nam Á đối mặt với thảm họa lũ lụt nghiêm trọng
VOV.VN - Với quá trình biến đổi khí hậu, khu vực Đông Nam Á ngày càng có nguy cơ hứng chịu bão lũ nặng nề.
Các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng. Trong bối cảnh các nước ở khu vực này vừa kỷ niệm 10 năm thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương, có sức tàn phá ghê gớm nhất trong lịch sử với hơn 220.000 người thiệt mạng, đã dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người.
Theo thông báo của văn phòng Thủ tướng, ông Razak sẽ về đến Malaysia vào ngày hôm nay (27/12) và bay thẳng đến bang Kelantan, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất để giám sát các hoạt động cứu trợ. Hôm qua, chính phủ Malaysia đã huy động thêm nhiều máy bay trực thăng, tàu thuyền và phương tiện để phục vụ công tác cứu hộ, vận chuyển hàng cứu trợ. Trước đó, chính quyền địa phương đã đưa thuyền và trực thăng đến sơ tán 84 khách du lịch nước ngoài tại một số điểm du lịch trong khu vực.
Tuy nhiên, các nhà chức trách Malaysia cho biết, thời tiết xấu đã gây nhiều trở ngại cho công tác cứu hộ cứu trợ. Nhiều nơi bị nước lũ cô lập, không thể đến được vận chuyển lương thực và các nhu yếu phầm cần thiết. Cơ quan dự báo khí tượng Malaysia thông báo, tình trạng mưa lớn sẽ còn tiếp diễn trong vài ngày tới.
Còn tại Thái Lan, Chỉnh phủ đã đưa ra mức cảnh báo lũ lụt cao nhất đối với 8 tỉnh phía nam của nước này, bao gồm Surat Thani, Nakhon Sri Thammarat, Pattalung, Pattani, Yala, Narathiwat, Songkhla và Trang. Mưa lũ kéo dài từ giữa tháng 12 đã làm cho mực nước các con sông dâng cao, tràn bờ gây lụt toàn diện. Hàng trăm ngàn hécta hoa mầu bị phá hủy. Mực nước mưa đo được trung bình trong 1 tuần gần đây lên tới 50mm, một số nơi đặc biệt lên tới hơn 90mm. Tính đến ngày hôm qua, đã có 13 người thiệt mạng do lũ lụt. Cơ quan ngăn chặn và giảm nhẹ thiên tai Thái Lan cho biết, có khoảng 180.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có gần 10.000 người phải đi sơ tán khẩn cấp.
Một người dân tại Surat Thani nói: “Nước dâng nhanh và cao. Chúng tôi không còn cách nào khác là phải rời nhà ra đi. Cuộc sống rất khó khăn, thiếu lương thực, thuốc men và nhiều thứ khác nữa. Chúng tôi cần được cứu trợ”.
Hiện mực nước tại các tỉnh Nakorn Sri Thammarat và Surat Thani đang rút xuống, nhiều người dân đã có thể trở về nhà của mình. Song chính quyền địa phương vẫn cảnh báo người dân nên thận trọng khi mà dự báo mưa lớn có thể tiếp diễn trong những ngày tới.
Hơn 34.000 người Indonesia đã phải rời bỏ nhà cửa do lũ lụt. Trong đó, đặc biệt tại huyện Bandung, tỉnh Tây Java có khoảng 14.200 người phải sơ tán do lụt. Chính quyền địa phương đang đưa ra biện pháp đối phó ở mức khẩn cấp và các đối tác nhân đạo quốc tế đang sẵn sàng hỗ trợ nếu được yêu cầu. Hàng cứu trợ khẩn cấp đã được gửi tới những trung tâm sơ tán.
Lũ lụt không còn là hiện tượng hiếm thấy ở các nước châu Á, trong đó có Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ… trong những năm qua.
Các chuyên gia cảnh báo, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nhanh, với tốc độ tàn phá ngày càng khủng khiếp. Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á được đánh giá là khu vực bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương cách đây 10 năm, thảm họa sóng thần Nhật Bản 2011, bão Hayan, lở đất ở Indonesia…đều được cho là hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, hơn ai hết, các nước cần phải nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này.
Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anupong Paochinda nhấn mạnh: “Mọi người dân cần phải hiểu biết sâu sắc về những hiểm họa của thiên nhiên như lũ lụt, động đất, lở đất, sóng thần. Hiểu hiểm họa để đối phó và ngăn chặn chúng”./.