Cái giá của xung đột và một mùa đông khiến cả Nga và Ukraine đau đầu

VOV.VN - Cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài suốt 6 tháng qua cho thấy cả thế giới dường như đều đang thua.

Nga và Ukraine đều đang chịu tổn thất trong khi phần còn lại của thế giới đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, tỷ lệ lạm phát tăng cao và rủi ro của một thảm họa hạt nhân giữa bối cảnh cuộc chiến này chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Cái giá của xung đột Nga – Ukraine

Mặc dù không công bố thông tin chi tiết nhưng cả quân đội Nga và Ukraine đều đang chịu tổn thất lớn. Từ 24/2, theo Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), 5.587 dân thường đã thiệt mạng và 7.890 người bị thương mặc dù con số trên thực tế có thể cao hơn thế.

Người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine - Tướng Valeriy Zaluzhnyi ngày 22/8 cho biết gần 9.000 binh lính Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Nga không công bố có bao nhiêu binh lính nước này thiệt mạng trong cuộc chiến. Tình báo Mỹ đã tiết lộ số binh lính Nga thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Ukraine là 15.000 người nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng.

Từ 24/2, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết, khoảng 1/3 người trong số hơn 41 triệu dân Ukraine phải rời bỏ nhà cửa. Hiện có hơn 6,6 triệu người tị nạn từ Ukraine ở khắp châu Âu với số lượng lớn nhất ở các nước Ba Lan, Nga và Đức.

Tổn thất cho cuộc chiến ở Ukraine mang tính toàn cầu. Ukraine là "giỏ lương thực" của nhiều nước châu Phi, châu Á và Trung Đông nhưng 20 triệu tấn ngũ cốc đã mắc kẹt trong các hầm chứa của Ukraine trong nhiều tháng do các cảng biển bị phong tỏa. Các chuyến vận chuyển ngũ cốc chỉ mới được nối lại gần đây sau khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã cảnh báo hàng triệu người đối mặt với nguy cơ đói nghèo do thiếu lương thực. Giá cả các mặt hàng tăng mạnh cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Trong khi đó, giao tranh tiếp diễn ở nhà máy Zaporizhzhia của Ukraine đã đặt toàn châu Âu đứng trước nguy cơ của một thảm họa hạt nhân.

Các lệnh trừng phạt của châu Âu nhằm vào năng lượng Nga được thực hiện để cản trở ý chí chiến đấu của Nga đang đặt chính châu lục này vào vị thế bấp bênh khi giá năng lượng cao gần mức lịch sử.

Châu Âu đang ở trong cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng với giá khí tự nhiên và giá điện tăng cao ở mức "bất thường". Giá khí đốt - nhiên liệu hóa thạch quan trọng cho nền kinh tế EU, đã tăng vọt trong những tuần gần đây giữa bối cảnh Nga siết chặt nguồn cung. Giá điện chuẩn của châu Âu cũng đã tăng hơn 1.400% so với mức trung bình vào những năm 2010.

Cuộc xung đột vẽ lại bản đồ Ukraine?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định: "Lập trường của đất nước chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi sẽ không từ bỏ những gì thuộc về mình".

Dù vậy, cuộc tấn công được dự đoán từ trước của Ukraine nhằm giành lại một số lãnh thổ do Nga kiểm soát khó có khả năng thành công do sự chênh lệnh lực lượng. Quân đội Nga hiện vẫn tiếp tục các cuộc tiến công chậm mà chắc ở khu vực Donbass. Dale Buckner, Đại tá Lục quân Mỹ nghỉ hưu, đồng thời là CEO của Công ty Nghiên cứu về An ninh Quốc tế Global Guardian nhận định, Ukraine sẽ đối mặt với những thực tế khó khăn trên chiến trường. Bất chấp mục tiêu đã được ông Zelensky tuyên bố, ông Buckner cho rằng Ukraine khó có thể giành lại các thành phố ở phía Đông.

"Quân đội Nga sẽ 'sở hữu' Donbass giống như họ 'sở hữu' Crimea hiện nay. Cuối cùng chúng ta sẽ thấy các đường biên giới được vẽ lại khi Nga coi các khu vực từ Donbass tới Crimea là lãnh thổ của mình".

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Nga đã tuyên bố rõ ràng về các mục tiêu của mình. Tổng thống Putin cam kết sẽ "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine" với mục tiêu chính là giải phóng Donbass ở phía Đông Ukraine.

Trong những tuần gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dường như đã mở rộng "mục tiêu địa lý" không chỉ bao gồm các nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk ở Donbass, mà còn cả một số khu vực khác. Và chủ đề thay đổi chế độ cầm quyền ở Ukraine cũng sẽ không nằm ngoài bàn đàm phán.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ giúp người dân Ukraine loại bỏ chế độ này, một chế độ chống lại con người và chống lại lịch sử", ông Lavrov bình luận.

Jeffrey Levinem, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng đến nhiều nước Đông Âu và từng là Đại sứ Mỹ tại Estonia nhận định, ưu thế quân sự của Nga có lẽ không đủ để kiểm soát toàn bộ Ukraine - quốc gia với hơn 41 triệu dân. Ông cũng cho rằng, dòng chảy vũ khí từ phương Tây tới Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể tạo ra một cuộc "xung đột đóng băng" mang lại lợi thế cho Tổng thống Putin.

Theo chuyên gia này, một cuộc xung đột đóng băng sẽ cho phép Nga nối lại các cuộc tấn công mới, đồng thời ngăn cản Ukraine khôi phục lại chức năng của một quốc gia bình thường.

Ông Levine đánh giá, khi Tổng thống Putin cảm thấy đã hành động đủ, nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ cân nhắc một số hình thức đàm phán. Vào thời điểm đó, Ukraine sẽ quyết định thỏa thuận mà họ có thể chấp nhận với Nga để chấm dứt các hành động thù địch.

Trong khi giao tranh tiếp diễn, phương Tây cho rằng Nga có thể sẽ củng cố các thành quả của mình bằng cách sáp nhập các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát. Lãnh đạo khu vực Zaporozhye được Nga bổ nhiệm đã yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc "thống nhất" với Nga sớm nhất là vào tháng tới. Một số chính quyền tại các khu vực khác của Ukraine do Nga kiểm soát cũng đang có kế hoạch tương tự.

Dù vậy, Tổng thống Zelensky cho rằng "những cuộc đàm phán giả" này sẽ "loại bỏ bất kỳ cơ hội đàm phán nào".

Mùa đông khó khăn của Nga và Ukraine

Ông Buckner nhận định, Ukraine biết mùa đông này sẽ rất khó khăn nhưng họ cũng biết cách để vượt qua những trở ngại và cần chuẩn bị những gì. Điều khiến Kiev lo ngại là Tổng thống Putin có thể thành công trong việc hạn chế sự ủng hộ của Tây Âu cho Ukraine bằng cách cắt nguồn cung năng lượng.

"Lợi thế của Ukraine là họ có thể rút ngắn đáng kể các tuyến hậu cần. Rủi ro các hoạt động quân sự và hậu cần bị gián đoạn sẽ giảm bớt", chuyên gia Buckner bình luận.

Ông Buckner thừa nhận, cả Nga, Ukraine và phương Tây đều sẽ không từ bỏ cho tới khi đạt được mục tiêu của mình.

"Định nghĩa thành công của Ukraine là chấm dứt chiến tranh, vẽ lại đường biên giới và nền kinh tế quay lại thời bình với cơ hội trở thành thành viên NATO trong tương lai”.

Giáo sư Michael Clarke, nhà phân tích quân sự, đồng thời là cựu giám đốc think tank quốc phòng RUSI nhận định: "Ukraine đang bước vào giai đoạn thứ ba của cuộc chiến. Giai đoạn đầu tiên là sống sót, giai đoạn thứ hai là cầm cự và giai đoạn thứ ba là với sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine sẽ bắt đầu đẩy lùi quân đội Nga ở khu vực Tây Nam".

"Con lắc đang bắt đầu dao động về phía Ukraine nhưng điều đó phụ thuộc vào rất nhiều từ 'nếu".

"Nếu sự hỗ trợ của phương Tây tiếp tục, nếu Nga tiếp tục gặp trở ngại trong việc tập hợp lực lượng và nếu Ukraine có thể thành công chuyển từ phòng thủ sang tấn công".

Ông cũng cho rằng mùa đông đang đến gần và sức ép kinh tế của cuộc chiến sẽ gia tăng sức ép với các lực lượng của Ukraine.

"Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, thời tiết sẽ rất lạnh. Nếu Ukraine không thể giành được thành quả trong cuộc phản công mới hiện nay, họ sẽ không thể làm điều đó cho tới năm sau".

"Ukraine cũng đứng trước sức ép thể hiện cho phương Tây thấy rằng họ bắt đầu đạt được tiến triển bởi nếu có dấu hiệu cho thấy Ukraine thua, phương Tây sẽ ngừng cung cấp vũ khí".

Trên thực tế, mùa đông này cũng là cơn đau đầu với các lực lượng của Nga.

Bất chấp việc có thể chống chịu hiệu quả trước các lệnh trừng phạt, cuộc chiến càng kéo dài, tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga sẽ ngày càng lớn.

Giáo sư Luke March tại Đại học Edinburgh cho biết điều đó đồng nghĩa với việc điện Kremlin cũng cần "một vài chiến thắng" trong những tuần và tháng tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

6 tháng xung đột Nga - Ukraine: So sánh sức mạnh vũ khí chủ lực của hai bên
6 tháng xung đột Nga - Ukraine: So sánh sức mạnh vũ khí chủ lực của hai bên

VOV.VN - Sáu tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, cuộc xung đột hiện nay đang rơi vào bế tắc và chưa bên nào có thể tạo ra những thay đổi đáng kể cục diện chiến trường.

6 tháng xung đột Nga - Ukraine: So sánh sức mạnh vũ khí chủ lực của hai bên

6 tháng xung đột Nga - Ukraine: So sánh sức mạnh vũ khí chủ lực của hai bên

VOV.VN - Sáu tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, cuộc xung đột hiện nay đang rơi vào bế tắc và chưa bên nào có thể tạo ra những thay đổi đáng kể cục diện chiến trường.

Gói viện trợ mới của Mỹ hé lộ chiến lược Ukraine phản công Nga
Gói viện trợ mới của Mỹ hé lộ chiến lược Ukraine phản công Nga

VOV.VN - Sau nhiều tháng tập trung vào vũ khí tầm xa và pháo hạng nặng, Mỹ dường như thay đổi chiến lược viện trợ cho Kiev trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài 6 tháng.

Gói viện trợ mới của Mỹ hé lộ chiến lược Ukraine phản công Nga

Gói viện trợ mới của Mỹ hé lộ chiến lược Ukraine phản công Nga

VOV.VN - Sau nhiều tháng tập trung vào vũ khí tầm xa và pháo hạng nặng, Mỹ dường như thay đổi chiến lược viện trợ cho Kiev trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài 6 tháng.

Yếu tố thách thức sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine
Yếu tố thách thức sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine

VOV.VN - Khi cuộc xung đột kéo dài gần 6 tháng, các quan chức châu Âu lo ngại rằng, sự đồng thuận trên khắp khu vực có thể tan vỡ khi châu Âu bước vào một mùa Đông ảm đạm.

Yếu tố thách thức sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine

Yếu tố thách thức sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine

VOV.VN - Khi cuộc xung đột kéo dài gần 6 tháng, các quan chức châu Âu lo ngại rằng, sự đồng thuận trên khắp khu vực có thể tan vỡ khi châu Âu bước vào một mùa Đông ảm đạm.

6 tháng xung đột Nga – Ukraine đã làm thay đổi những gì?
6 tháng xung đột Nga – Ukraine đã làm thay đổi những gì?

VOV.VN - 6 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cục diện quân sự cũng như diễn biến chính trị đã có nhiều thay đổi.

6 tháng xung đột Nga – Ukraine đã làm thay đổi những gì?

6 tháng xung đột Nga – Ukraine đã làm thay đổi những gì?

VOV.VN - 6 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cục diện quân sự cũng như diễn biến chính trị đã có nhiều thay đổi.

Cái giá Mỹ phải gánh chịu từ cuộc xung đột Nga-Ukraine
Cái giá Mỹ phải gánh chịu từ cuộc xung đột Nga-Ukraine

VOV.VN - Trong một bài bình luận trên National Interest, nhà phân tích Ramon Marks cho rằng, cho dù bất cứ bên nào chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine thì Mỹ sẽ là người thua cuộc.

Cái giá Mỹ phải gánh chịu từ cuộc xung đột Nga-Ukraine

Cái giá Mỹ phải gánh chịu từ cuộc xung đột Nga-Ukraine

VOV.VN - Trong một bài bình luận trên National Interest, nhà phân tích Ramon Marks cho rằng, cho dù bất cứ bên nào chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine thì Mỹ sẽ là người thua cuộc.