Cải tổ Liên Hợp Quốc: Vẫn còn những rào cản lớn?
VOV.VN - “Chú trọng vào con người - Phấn đấu vì hòa bình và cuộc sống có phẩm giá cho tất cả mọi người trên một hành tinh bền vững”.
Đó là chủ đề của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, khóa họp thứ 72 diễn ra từ ngày 19-25/9 tại New York (Mỹ), đã có sự khởi đầu tốt đẹp với 130/193 quốc gia ký vào tuyên bố chính trị 10 điểm, ủng hộ kế hoạch cải cách toàn diện Liên Hợp Quốc của Tổng Thư ký Antonio Gutteres. Đây là dấu mốc quan trọng về cải tổ Liên Hợp Quốc sau 70 năm tồn tại và phát triển của tổ chức lớn nhất hành tinh này.
Một phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP
Từ nhận định “Thế giới đang lâm nguy”…
“Thế giới đang lâm nguy”, là lời cảnh báo của Tổng Thư ký Guterres trong phiên khai mạc kỳ họp cấp cao Hội đồng Bảo an khóa 72, ông Guterres nhấn mạnh: “con người đang bị tổn thương và giận dữ, phải chứng kiến tình trạng mất an ninh leo thang, bất bình đẳng gia tăng, xung đột lan rộng và hiện tượng biến đổi khí hậu, Liên Hợp Quốc đang thực sự đứng trước những thách thức nghiêm trọng”.
Ông Guterres chỉ ra, thế giới đang đứng trước 7 thách thức nghiêm trọng đó là: (1) Sự đe dọa của vũ khí hạt nhân; (2) Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu; (3) Xung đột vũ trang, sắc tộc kéo theo khủng hoảng nhân đạo; (4) Tình trạng biến đổi khí hậu; (5) Sự bất bình đẳng gây phương hại tới những nền tảng và khế ước xã hội; (6) Mối đe dọa an ninh mạng, và (7) Khủng hoảng di cư.
Tất cả những thách thức nêu trên đòi hỏi Liên Hợp Quốc phải hoạt động hiệu quả hơn, hợp pháp hơn. Muốn vậy, Liên Hợp Quốc cần phải cải tổ một cách toàn diện, tương xứng với vị thế của một tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, có đủ lý do chính đáng để hành động và duy trì sự cân bằng quốc tế.
Các nhà lãnh đạo 130 nước trên thế giới, trong đó có các nước lớn như Mỹ, Đức, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản... ủng hộ tuyên bố 10 điểm. Mỹ nhấn mạnh tăng thêm quyền cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và giảm bớt tình trạng quan liêu, trì trệ - vốn đã cản trở tiềm năng to lớn của tổ chức này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuy không dự, nhưng cũng thể hiện sự ủng hộ cải tổ Hội đồng Bảo an để phản ánh sự phân bố quyền lực thực sự trên khắp thế giới trong thế kỷ XXI. Nhật Bản cũng tuyên bố “ủng hộ hoàn toàn nỗ lực cải tổ Liên Hợp Quốc”, nhưng nhấn mạnh cải cách cả Hội đồng Bảo an.
Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực cải cách Liên Hợp Quốc và nói rằng, cần bao gồm việc mở rộng các thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an để theo kịp những thay đổi của thế giới.
Đến đề xuất những định hướng cải tổ…
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ quan điểm ủng hộ tuyên bố chính trị 10 điểm của Tổng Thư ký Guterres, nhất là việc cải tổ Ban Thư ký Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Pháp Macron lại nhấn mạnh nhiều tới chủ nghĩa đa phương, sự phối hợp giữa các quốc gia, buộc chúng ta phải học lại tính phức tạp của đối thoại, song lại mang lại hiệu quả bền vững nhất, tôn trọng các thỏa thuận, trong đó có các hiệp ước quốc tế.
Được biết, vấn đề cải tổ Liên Hợp Quốc được đặt ra từ tháng 9/2000, đến tháng 9/2003, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan khi đó đã quyết định thành lập một Nhóm nghiên cứu và khuyến nghị các biện pháp ứng phó với các thách thức về hòa bình - an ninh, cũng như cải tổ Liên Hợp Quốc.
Ngày 26/5/2005, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Liên Hợp Quốc, ông Kofi Annan lại kêu gọi các nhà lãnh đạo của các nước thành viên có những quyết định nghiêm túc, mạnh mẽ để cải cách tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới này.
Tiếp đến, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng xác định việc cải tổ LHQ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình. Đến đầu năm 2017, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres tiếp tục nhấn mạnh rằng: “Liên Hợp Quốc cần phải cải tổ để bảo vệ những giá trị khai sáng của mình”.
Giờ đây, ông Guterres còn đưa ra những nội dung cụ thể: Liên Hợp Quốc phải giảm bớt thủ tục hành chính, tập trung vào kết quả và lấy con người làm trung tâm; phải nhanh nhạy, linh hoạt và hiệu quả; chú trọng nhiều hơn đến quá trình thực thi, rút ngắn thời gian lên kế hoạch. Tổng thống Mỹ Trump lại nhấn mạnh hướng tới một Liên Hợp Quốc giành lại được niềm tin của người dân trên toàn thế giới.
Mặt khác, Liên Hợp Quốc cũng cần cải tổ trong các lĩnh vực đảm bảo bình đẳng giới trong bộ máy; củng cố các cơ cấu chống khủng bố; chấm dứt tình trạng sai phạm trong binh sĩ gìn giữ hòa bình. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia cùng nhau thúc đẩy chương trình cải cách toàn diện và táo bạo để tăng cường hiệu quả của Liên Hợp Quốc, từ “nói nhiều làm ít” sang “sẵn sàng hành động”.
Và những rào cản vẫn còn lớn…
Tuy nhiên, Nga - một cường quốc hạt nhân và là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an lại không ủng hộ những đề xuất của Mỹ về việc cải tổ Liên Hợp Quốc vì cho rằng, đó là một bước tiến hướng tới trật tự thế giới đơn cực, do Mỹ thao túng làm giảm thiểu vai trò của Liên Hợp Quốc trong thế kỷ XXI. Nga tuyên bố: “Chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng ủng hộ hay tuyên bố tham gia vào tiến trình này”.
Phát biểu bên lề phiên họp, đại diện Nga, ông Slutsky tuyên bố: “Quan niệm về chính sách ngoại giao của Nga nêu rõ rằng chúng tôi ủng hộ việc duy trì vai trò không thể bàn cãi của Liên Hợp Quốc, vốn đã cho thấy nó không thể bị thay thế trong nhiều thập kỷ qua”.
Trước đó, ngày 18/9, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Trump đã chủ trì sự kiện cấp cao bàn về vấn đề cải tổ Liên Hợp Quốc, với sự tham gia của các phái đoàn thường trực của Mỹ, Canada, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Jordan, Niger, Rwanda, Senegal, Slovakia, Thái Lan.
Tại diễn đàn, Tổng thống Mỹ Trump đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề chủ quyền của các quốc gia. Ông kêu gọi thế giới phản đối mọi mối đe dọa đối với chủ quyền tại nhiều quốc gia và khu vực. Ông nêu rõ: “Chúng ta phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, tôn trọng tương lai, và sự can dự hòa bình”.
Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại khẳng định: “chủ nghĩa đa phương là cách hiệu quả nhất để đối mặt với những thách thức toàn cầu”. Pháp khẳng định, Nga là một đối tác và các nước cần phải phối hợp với Moscow. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp hành động với Nga trong vấn đề Syria.
Như vậy, sau 70 năm tồn tại và phát triển, bên cạnh những thành tựu được ghi nhận của Liên Hợp Quốc, tổ chức này cũng đang xuất hiện nhiều yếu tố bất cập cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế và phương thức hoạt động, không còn đủ sức đương đầu với “những thách thức nghiêm trọng” mà cộng đồng thế giới đang phải phấn đấu để vượt qua.
Tuy nhiên, những rào cản vẫn còn lớn, nhất là những bất đồng về quan điểm và định hướng cải tổ Liên Hợp Quốc, trong đó có cả bất đồng giữa các nước thuộc nhóm Thường trực của Hội đồng Bảo an. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, hiệu quả của tuyên bố chính trị 10 điểm của Đại Hội đồng khóa 72 vẫn còn đang ở phía trước./.
Khoảnh khắc “ý tại ngôn ngoại” ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 72