Can thiệp quân sự Mali, Hollande nhận giải thưởng hòa bình
(VOV) - Việc ông Hollande được nhận giải thưởng này có vẻ như là một nghịch lý.
Tổng thống Pháp Francois Hollande được trao tặng Giải thường Hòa bình hàng năm mang tên Felix Houphouet-Boigny của tổ chức văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO về quyết định phát động cuộc chiến ở Mali.
Tổng thống Pháp Hollande được nhận Giải thưởng Hòa bình của UNESCO về quyết định can thiệp quân sự ở Mali (Ảnh chụp từ video, nguồn Press TV) |
Ông Hollande đã nhận được giải thưởng lớn của Liên Hợp Quốc trong một buổi lễ diễn ra tại Paris ngày 5/6. Sự kiện này đã nêu ra một câu hỏi về việc làm thế nào một sự can thiệp vũ trang nước ngoài lại có thể xứng đáng được bình chọn cho một giải thưởng.
Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova phát biểu trong buổi lễ đã tuyên bố rằng quyết định của Pháp can thiệp quân sự vào Mali theo yêu cầu của Tổng thống Mali Traore, cùng với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ văn hóa cũng như các dân tộc của đất nước này là một hành động đáng tự hào.
Lên nhận giải thưởng ông Hollande cũng thừa nhận "giải thưởng này có vẻ như một nghịch lý, một giải thưởng hòa bình được trao cho một sự kiện chiến tranh". "Nhưng tôi vẫn thay mặt cho nước Pháp quyết định thực hiện bởi chúng tôi không có bất cứ một mục đích nào khác ngoài việc kết thúc một sự xâm lược ở đất nước này" ông Hollande tuyên bố.
Được thành lập vào năm 1989, Giải thưởng Hòa bình Felix Houphouet-Boigny nhằm tôn vinh những cá nhân và tổ chức đã có đóng góp quan trọng cho hòa bình và ổn định trên thế giới.
Khoảng 4.000 lính Pháp đã được triển khai tới Mali kể từ khi Pháp phát động cuộc chiến tranh trên đất nước Tây Phi vào ngày 11/1/2013 với lý do ngăn chặn các phần tử cực đoan đang tiến về thủ đô Bamako. Cuộc chiến tranh ở Mali do người Pháp phát động đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại các khu vực phía Bắc của đất nước này, khiến hàng ngàn người phải dời bỏ nhà cửa, nhiều người hiện đang sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ.
Ngày 1/2, Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án cuộc chiến tranh của Pháp ở Mali đã "vi phạm nghiêm trọng quyền con người" khi giết hại 3 trẻ em. Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền cho biết đã có "bằng chứng cho thấy ít nhất là 5 thường dân, trong đó có ba trẻ em, đã thiệt mạng trong một cuộc không kích" do quân Pháp chống lại phiến quân.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tái khẳng định trong tháng 4 rằng Pháp vẫn sẽ duy trì 1.000 binh sĩ ở Mali cùng với sự có mặt của hơn 12.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay.
Một số nhà phân tích chính trị tin rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị bỏ quên của Mali, bao gồm cả mỏ vàng và uranium, có thể là một trong những lý do đằng sau phát động chiến tranh của Pháp./.