Căng thẳng Belarus, phương Tây leo thang: Quân đội đặt trong tình trạng báo động cao
VOV.VN - Bộ Ngoại giao Belarus khẳng định nghị quyết của Nghị viện châu Âu không công nhận kết quả bầu cử vừa qua là một hành động gây hấn điển hình và không mang tính xây dựng.
Một loạt các diễn biến căng thẳng đang leo thang nhanh chóng giữa Belarus và các quốc gia láng giềng châu Âu, đỉnh điểm là việc Nghị viện châu Âu không công nhận kết quả bầu cử ngày 9/8 vừa qua tại Belarus, không công nhận Tổng thống Lukashenko tái đắc cử. Ngay lập tức, Belarus đã đưa ra nhiều bước đi đáp trả.
Ngày 17/9, Nghị viện châu Âu (EP) tuyên bố, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ không còn được công nhận là Tổng thống sau khi ông mãn nhiệm vào ngày 5/11 tới. Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào giới chính trị quốc gia này, bao gồm cả Tổng thống. Tuy nhiên, một số nguồn ngoại giao cho biết, các lệnh trừng phạt này đến nay châu Âu vẫn chưa thể thống nhất được và khó có thể được đưa ra vào ngày 21/9 tới - theo như kế hoạch trước đó.
Dự kiến, Ngoại trưởng các nước châu Âu cùng Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng sẽ gặp lãnh đạo phe đối lập Belarus, bà Svetlana Tikhanovskaya tại Brussels, Bỉ vào ngày 21/9 để thảo luận về tình hình.
Các bước đi của châu Âu đang khiến Belarus tức giận. Bộ Ngoại giao Belarus khẳng định nghị quyết của Nghị viện châu Âu không công nhận kết quả bầu cử vừa qua là một hành động gây hấn điển hình và không mang tính xây dựng.
Trong khi, Tổng thống Lukashenko hôm qua (18/9) khẳng định: “Chúng tôi đã tổ chức cuộc bầu cử theo Hiến pháp và luật pháp của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không cần bất kỳ sự công nhận nào. Cuộc bầu cử đã diễn ra và nó hợp pháp".
Giữa lúc căng thẳng với EU gia tăng, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng đã quyết định đóng cửa biên giới phía Tây nước này giáp với Lithuana, Ba Lan: “Thành thật mà nói, chúng tôi không biết họ sẽ tấn công gì tiếp theo. Chúng tôi buộc phải rút quân khỏi đường phố, đưa một nửa quân đội vào chế độ sẵn sàng và đóng cửa biên giới phía tây, chủ yếu với Lithuana và Ba Lan. Thật không may, chúng tôi cũng buộc phải củng cố biên giới của mình với người an hem Ukraine”.
Các động thái quân sự của Belarus được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Ukraine – quốc gia láng giềng của Belarus ngày 17/9 vừa qua cũng đã bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên gọi “Cây đinh ba chớp nhoáng”, với sự tham gia của khoảng 4.000 binh sĩ của 10 quốc gia. Cuộc tập trận này nhằm phô trương sức mạnh của mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ukraine và "nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu trong môi trường hoạt động đầy thách thức, củng cố mối quan hệ bền chặt cần thiết cho hòa bình và ổn định”.
Cuộc tập trận này diễn ra sau 2 ngày sau khi Nga khởi động cuộc tập trận chung với Belarus. Cuộc tập trận giữa Nga và Belarus dự kiến kéo dài đến 25/9. Mới đây, trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Sochi (Nga), Tổng thống Belarus cũng đã đề nghị Nga cung cấp vũ khí quân sự trong bối cảnh các mối đe dọa từ phương Tây leo thang.
Hiện các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Lukashenko ở Belarus vẫn tiếp tục bùng nổ với nhiều diễn biến phức tạp. Tổng thống Lukashenko cáo buộc những người biểu tình được phương Tây và phe đối lập hậu thuẫn nhằm lật đổ chính quyền của ông một cách bất hợp pháp.
Nga – đồng minh lâu năm của Belarus đã tuyên bố sẵn sàng trợ giúp Belarus về mặt quân sự ngay khi nhận được đề nghị từ Belarus theo đúng cam kết của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mà hai nước đều là thành viên. Nga cũng hối thúc phe đối lập Belarus ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết bất đồng, tránh nguy cơ leo thang khủng hoảng./.