Căng thẳng tại Ukraine làm “suy yếu” Hội đồng Bảo an
VOV.VN -Trong 10 ngày qua, Hội đồng Bảo an đã có 5 cuộc họp khẩn về tình hình Ukraine, song không đạt được bất kỳ kết quả nào.
Tình hình Ukraine đang ngày càng nóng lên trong bối cảnh Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine dường như đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu ý dân về việc “có sáp nhập vào liên bang Nga hay không”.
Liên Hợp Quốc đã bày tỏ lo ngại về sự chia rẽ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine cũng như việc tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này bị mất đi nhiều khả năng trong việc ngăn chặn các cuộc khủng hoảng.
Những thành viên của quân đội Crimea ủng hộ Nga diễu hành trên đường phố Simferopol (Ảnh: AFP) |
Trong một động thái tiếp theo nhằm hoàn tất việc chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16/3 tới, Hội đồng tối cao Cộng hòa tự trị Crimea thông báo sẽ đổi tên nước này thành “Cộng hòa Crimea”.
Theo đài Tiếng nói nước Nga, chính phủ Crimea cho biết từ “tự trị” đã được bỏ ra khỏi trong nội dung của các trang web chính thức của các cơ quan quyền lực của Crimea từ ngày 11/3. Trước đó, Nghị viện Crimea đã thông qua “tuyên bố độc lập cho Crimea và thành phố Sevastopol”.
Chính quyền Crimea cũng đã đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay thương mại, ngoại trừ các chuyến bay tới Moscow, Nga. Các quyết định trên được đưa ra bất chấp sức ép ngày càng gia tăng của Mỹ và phương Tây nhằm yêu cầu Nga “đưa các lực lượng trở về căn cứ”.
Trong bối cảnh đó, Nga, Mỹ vẫn bất đồng sâu sắc trong việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Ukraine. Tại cuộc điện đàm hôm qua giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry, phía Nga kiên quyết từ chối đối thoại với Chính phủ tạm quyền tại Kiev đồng thời kêu gọi các bên thực thi thỏa thuận ký ngày 21/2 về cải cách Hiến pháp.
Về phía Mỹ, một mặt tái khẳng định duy trì đối thoại với Nga, mặt khác, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố mục đích cuối cùng là bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm này cho biết, Mỹ đã đặt ra một loạt câu hỏi cho Nga trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine.
Bà Psaki nói: “Ông Kerry đã nhắc lại thiện chí tiếp tục phối hợp với ngoại trưởng Lavrov, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần thúc đẩy mọi việc đi đúng hướng và mục tiêu phải là bảo đảm toàn vẹn chủ quyền của Ukraine. Chúng tôi vẫn chưa nhận được sự phản hồi”.
Việc Cộng hòa tự trị Crimea chuẩn bị trưng cầu ý dân để sáp nhập vào Nga đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng ở Ukraine và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ ngày càng khiến cộng đồng quốc tế chia rẽ trong vấn đề Ukraine.
Mỹ cáo buộc Nga kiểm soát khu vực tự trị Crimea và quan hệ hai nước đang xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Mỹ và phương Tây đang đe dọa áp đặt trừng phạt đối với Nga, quốc gia cho rằng người Crimea có quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân vào chủ nhật này.
Trả lời phỏng vấn báo chí khi đang ở thăm Mỹ ngày hôm qua, ông Guterres cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine lại khiến cho Hội đồng Bảo an ngày càng khó khăn trong việc thực thi sứ mệnh duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng, trong Hội đồng Bảo an có sự chia rẽ. Cộng đồng quốc tế đã mất đi nhiều khả năng ngăn chặn và giải quyết khủng hoảng một cách kịp thời. Trước khi những chia rẽ này được loại bỏ hoặc ít nhất bất đồng được thu hẹp, thì Hội đồng Bảo an sẽ khó có thể hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này”.
Trong 10 ngày qua, Hội đồng Bảo an đã có 5 cuộc họp khẩn về tình hình Ukraine, song không đạt được bất kỳ kết quả nào. Cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea tiếp tục chia rẽ các nước thành viên Hội đồng Bảo an. Trong khi Nga kiên quyết bảo vệ quyền tự quyết của người Crimea trong việc tuyên bố độc lập, thì phương Tây lại gia tăng sức ép yêu cầu Nga “không đi theo hướng này” và ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề./.