Căng thẳng trong quan hệ giữa Qatar và các nước GCC
VOV.VN - Thời gian gần đây, Qatar liên tục bị các quốc gia thuộc tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) lên án, chỉ trích.
Khu vực vùng Vịnh trong những ngày qua trở nên căng thẳng khi Qatar có những động thái được cho là ủng hộ và thân với Iran. Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) lên án, chỉ trích Qatar và cho rằng nước này có các hoạt động hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các phe nhóm chính trị chống đối, cực đoan ở Libya, Ai Cập, Syria, Yemen và Tunisia, mở rộng đến khu Trung Á, Bắc Phi, Sừng châu Phi và thậm chí ngay tại các quốc gia vùng Vịnh.
Khu vực vùng Vịnh trong những ngày qua trở nên căng thẳng khi Qatar có những động thái được cho là ủng hộ và thân với Iran. Ảnh minh họa |
Dư luận cho rằng, để giải quyết mối bất hòa này, các quốc gia vùng Vịnh cần có sự thay đổi theo hướng “đồng điệu” về chính sách đối ngoại và tạo niềm tin giữa các thành viên với nhau.
Sau khi thông tin ủng hộ Iran được đăng tải trên hãng thông tấn nhà nước Qatar (Al-Jareeza), các hãng truyền thông chính thống của Saudi Arabia (Alarabiya) và UAE (Sky – News - Arabia) đồng loạt đưa tin, cáo buộc Tiểu quốc vương Qatar - Sheikh - Tamim hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các phe nhóm chính trị chống đối, cực đoan ở Libya, Ai Cập, Syria, Yemen và Tunisia, mở rộng đến khu Trung Á, Bắc Phi, Sừng châu Phi và thậm chí ngay tại các quốc gia vùng Vịnh.
Các quốc gia này cho rằng, những phát ngôn của người đứng đầu Qatar đã vi phạm nghiêm trọng các cam kết đã ký trong “tuyên bố Riyadh 2014” liên quan đến việc “tôn trọng các nguyên tắc của GCC và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Bên cạnh đó, mối quan hệ phức tạp về kinh tế với Iran được cho là nguyên nhân sâu xa khiến Qatar và các nhà trung lập như Oman liên tục có những quan điểm không đồng nhất với Saudi Arabia. Theo đó, năng lượng đã trở thành một yếu tố gắn kết quan trọng giữa Qatar và Iran, khi các bên cùng chia sẻ trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Oman và Iran cũng đã cùng vận hành khai thác mỏ dầu Hengham ở Vịnh Ả Rập vào năm 2013. Được biết, vào năm 2018, Oman dự kiến sẽ bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Iran thông qua một đường ống dưới biển, nối tỉnh Hormuzgan (Iran) với Sohar (Oman).
Trước đó, vào năm 2014, mối quan hệ giữa Qatar với Bahrain, Saudi Arabia và UAE đã từng xuống cấp do chính sách đối ngoại của Qatar, cùng sự hậu thuẫn dành cho nhóm “Anh em hồi giáo” (tổ chức bị Ai Cập liệt vào danh sách khủng bố) và phong trào Hamas (lực lượng chống Israel ở Palestine, bị Mỹ và Liên minh châu Âu coi là khủng bố). Tuy nhiên, hai thành viên GCC còn lại (gồm Kuwait và Oman) đã sử dụng vai trò “trung lập” để hàn gắn lại mối quan hệ của khối.
Triển vọng trong thời gian tới
Dự kiến, Oman và Kuwait sẽ tiếp tục đóng vai trò chính trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa Qatar với GCC, như đã từng thực hiện vào năm 2014. Tuy nhiên, chính sách mới của Mỹ ở khu vực Trung Đông sẽ tác động không nhỏ đến cuộc hòa giải, nhất là về những điều kiện ràng buộc Qatar khi muốn “quay trở lại” GCC.
Được biết, chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Donald – Trump đã khẳng định sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ giành cho các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập trong đối phó với “kẻ thù” Iran. Điều này sẽ càng khiến Saudi Arabia có cơ sở để cô lập, buộc Qatar phải chấp nhận đồng thuận với các tuyên bố chung của GCC về Iran, cũng như thúc ép các quốc gia vùng Vịnh khác như Kuwait và Oman phải dần từ bỏ các lợi ích kinh tế với Tehran. Đối với Qatar, duy trì sự ủng hộ với Iran, lực lượng Hamas, phong trào Anh em Hồi giáo…, sẽ càng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh đặc biệt là Saudi Arabia, Ai Cập.
Mặc dù động thái vừa qua chưa thể làm xấu đi mối quan hệ đồng minh với Mỹ (bởi Qatar hiện là nơi đặt trụ sở chỉ huy quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông và Trung Á, với khoảng 10.000 quân), nhưng những cảnh báo gần đây từ Washington sẽ tác động trực tiếp đến việc điều chỉnh “hành vi” của Doha tại khu vực.
Cuộc hòa giải giữa Qatar với các nước GCC tại Kuwait trong ngày 31/5 được hy vọng sẽ hàn gắn được mối quan hệ của khối. Tuy nhiên, khả năng đó chỉ có thể thành công nếu Qatar đáp ứng các điều khoản như: dừng hành động can thiệp vào công việc nội bộ ở các quốc gia vùng Vịnh và Ả Rập; ngừng việc kích động bằng các phương tiện truyền thông; không nhập tịch thêm bất cứ công dân nào ở các quốc gia vùng Vịnh khác; không chống lại các chính sách của Ai Cập; ngừng hỗ trợ nhóm “Anh em hồi giáo”; trục xuất những cá nhân thể hiện quan điểm thù địch chống lại các quốc gia thành viên GCC./.