Cảnh báo tâm lý nguy hiểm “Ai rồi cũng trở thành F0 Covid-19”
VOV.VN - Với tâm lý “ai rồi cũng trở thành F0”, một số người đã tìm cách tiếp xúc với những người bị bệnh để tránh phải tiêm vaccine. Giới chuyên gia và chính quyền các nước đã cảnh báo đây là cách tiếp cận sai lầm và cái giá phải trả có thể là chính mạng sống.
Báo chí châu Âu những ngày qua tràn ngập thông tin về việc nữ ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng 57 tuổi người Séc Hana Horká tự để mình mắc Covid-19, coi đây là tấm giấy thông hành để có thể sớm quay lại hoạt động biểu diễn thay vì phải tiêm vaccine. Sau khi con trai và chồng đều mắc Covid-19 vào dịp Giáng sinh, bà Hana Horká đã “bắt lấy cơ hội” để tự phơi nhiễm và qua đời chỉ 2 ngày sau đó vì biến chứng liên quan Covid-19.
Con trai của nữ ca sĩ chỉ trích mạnh mẽ những người bài vaccine ngừa Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới tâm lý của người mẹ. Trước khi qua đời, bà thường xuyên chia sẻ những bài viết của các nhóm bài vaccine.
“Mẹ tôi muốn đạt tự miễn dịch bằng cách mắc Covid-19 chứ không muốn tiêm vaccine. Mẹ tôi lẽ ra phải tự cách ly 1 tuần sau khi chúng tôi có kết quả dương tính với Covid-19”, con trai nữ ca sỹ Horká cho biết.
Câu chuyện của nữ ca sĩ Hana Horká không phải là duy nhất. Để né tránh tiêm vaccine , rất nhiều người đã chấp nhận chi tiền để tham gia dịch vụ ăn tối với người mắc Covid-19 với hy vọng có thể nhiễm bệnh.
Tại Italy, sau khi chính phủ ban hành quy định từ đầu tháng 2 tới, tất cả những người trên 50 tuổi đều bắt buộc phải có giấy xác nhận đã tiêm chủng đầy đủ, các dịch vụ ăn theo đã mọc lên như nấm. Mới đây, lực lượng chức năng Italy đã phá một cơ sở tổ chức các “bữa tiệc siêu lây nhiễm” nhằm giúp những người phản đối tiêm chủng tiếp xúc với những người dương tính với virus SARS-CoV-2 để được lây bệnh. Để dự tiệc, mỗi khách hàng phải trả 160 USD.
Hành động như vậy chẳng khác nào đánh cược với mạng sống của chính mình và những người xung quanh. Bằng chứng là đã có những người tử vong như trường hợp của nữ ca sĩ Hana Horká và một số người khác phải chăm sóc đặc biệt sau khi tham dự các bữa tiệc siêu lây nhiễm ở Italy.
Ngay từ khi thế giới phát triển được vaccine ngừa Covid-19, những cuộc tranh luận xung quanh nghĩa vụ tiêm chủng đã trở thành tâm điểm quan tâm tại nhiều nước. Bởi trong số những người không tiêm chủng có cả những người thuộc đối tượng “được trì hoãn” theo khuyến cáo của các các cơ quan y tế. Dù cuộc tranh cãi tới nay vẫn chưa có hồi kết, song một điều chắc chắn là điều này đã tạo cơ hội cho một số kẻ kiếm lời.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã lên án mạnh mẽ những kẻ tung tin sai lệch về vaccine, coi đây là hành vi trái đạo đức: “Tiêm phòng hay không là lựa chọn cá nhân của các bạn. Song lựa chọn này lại chịu ảnh hưởng của những thông tin sai lệch nguy hiểm về vaccine được lan truyền trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Một số doanh nghiệp và cá nhân có tư tưởng bài vaccine đang kiếm lời bằng những lời nói dối có thể giết chết khách hàng của mình. Điều này là trái đạo đức và phải chấm dứt ngay lập tức”.
Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, với người chưa từng mắc Covid- 19 và chưa được tiêm phòng, việc nhiễm virus có thể chỉ như trận cảm cúm nhẹ, nhưng nó cũng có thể khiến họ phải vào phòng chăm sóc đặc biệt. Lằn ranh giữa hai khả năng đó là rất mong manh và không ai có thể dự đoán trước điều gì./.